Lãng du cùng Phạm Công Thắng

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Ngày 03/8/2017  tại Nhà Triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội đã diễn ra buổi giao lưu, ra mắt và triển lãm sách ảnh “Lãng du cùng Phạm Công Thắng” của Nhà báo – NSNA Phạm Công Thắng với sự  phối hợp tổ chức của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội.

16939207_1879379678985356_1381566240067837535_n

 Nghệ sĩ  nhiếp ảnh Phạm Công Thắng

Cuộc ra mắt cuốn sách “Lãng du” của Nhà báo, Nghệ sĩ Phạm Công Thắng diễn ra vào dịp đầu thu, thời điểm rất hợp cho những cuộc lãng du. Cuộc “Lãng du” này đã dẫn dắt một chàng thanh niên từ một người lính Hải quân về với nhiếp ảnh của Sở VH-TT Thanh Hóa, quê ông. Rồi duyên phận lại đưa Phạm Công Thắng về với đất Kinh thành và cuộc đời ông gắn bó sâu sắc với nhiếp ảnh từ đây.

le-ra-mat-1

 Lễ ra mắt và triển lãm sách ảnh “Lãng du cùng Phạm Công Thắng”

Cũng vì thế mà cuốn sách “Lãng du cùng Phạm Công Thắng” được mở đầu bằng Hà Nội. Có nhiều nghệ sĩ chụp và nhiều cách diễn đạt về Hà Nội, riêng ông, ông lấy chia sẻ và yêu thương làm nguồn mạch để thể hiện. Nghệ sĩ Phạm Công Thắng chụp Hà Nội không phải bắt nguồn từ cái mà ông mô tả nó, mà bắt nguồn từ sự am hiểu nó. Ông không thể hiện hiện thực một cách thuần thúy, mà dựa trên nhưng chi tiết của hiện thực để diễn tả một điều gì đó mang cảm xúc người, như tác phẩm “Sông Hồng mùa nước cạn”, “Đêm trăng trên hồ Đống Đa”, “Bến vắng” , rồi lại trở về với “Nhịp phố”. Nhịp phố có 3 người, 3 hoàn cảnh, 3 hướng đi khác nhau, chỉ có một điểm chung là bóng đều đổ xuống mặt đường, cái nhìn ở đây thật tinh tế và giầu ý tưởng. Tác phẩm “Nét trầm tư” chụp ông đồ già vẽ tranh thư pháp thì thật chẳng giống ai, còn đến “Bóng đổ chiều nghiêng” thì đúng là sự phát hiện của một kẻ lãng du chính hiệu.

pct3_resize-1

Nhịp phố (Phố Trần Nhân Tông, Hà Nội – 1998)

pct1_resize-1

Sông Hồng mùa nước cạn

Ảnh của Phạm Công Thắng làm người ta dễ dàng nhận ra sự ghi nhận hiện thực của người quen với ống kính báo chí, nhưng ông đã phản ánh hiện thực dưới góc nhìn nghệ thuật. Hiện thực  đấy, nhưng nó vượt lên để diễn tả một tâm trạng làm cho người ta cứ phải suy tư cả ở phía sau cái mặt phẳng hai chiều của ảnh.

Trong cuốn sách của ông, không phải là không có những bức ảnh lặp lại quen thuộc, nhưng cách trình bày của tác giả đã làm mới nó, hấp dẫn người xem hơn bởi ý tưởng và tình yêu riêng của ông. Xem ảnh, nhưng hơn thế, người ta nhận ra cái mạch nguồn cảm xúc của tác giả trước những đề tài quen thuộc, lại là một khám phá mới với góc nhìn khác biệt. Thêm vào đó ảnh của nghệ sỹ Phạm Công Thắng  có tạo hình rất chắc, cách sắp xếp bố cục ánh sáng và mảng màu sáng tạo, ông dùng ngôn ngữ của sự lặng im mà tạo ra tác phẩm “Nhịp hoàng hôn”, diễn tả được nhịp phách của đất trời thì quả thật là tuyệt diệu. Những bức ảnh “Làng quê ngày mùa”, “Sắc màu tương lai”, “Được nắng” hay “Sau cơn mưa” đã chứng mình cho nhận xét này.

pct7_resize-1

Làng quê ngày mùa

pct6_resize-1

 Vào vụ mới

Nói đến vẻ đẹp Việt ông lại trở về với miền quê Thanh Hóa, với tác phẩm “Thanh thản”, những bè luồng, một đặc sản của  xứ Thanh vẫn lặng lẽ trôi theo dòng sông Mã hiền hòa. Rồi từ đó lan tỏa ra mọi miền đất nước, miền núi phía Bắc, miền trung du với những làng quê quan họ rồi tới miền Trung và Nam bộ. “Vào vụ” ông chụp ở Bắc Sơn như một bức tranh đa sắc màu với những đường nét tạo hình rất hấp dẫn. Tôi cũng thích cái “Khoảng lặng” ở bến Ninh Kiều (Cần Thơ). Dường như ông muốn khép lại một phần của cuốn sách, nhưng cách đóng này lại là cách mở cho người ta háo hức tới một phần tiếp nữa.

pct8_resize-1

Thanh Thản (Sông Mã, Thanh Hóa – 1989)

Trong cuốn sách ta nhận thấy ngập tràn những ký ức của Phạm Công Thắng. Ông sàng lọc những ký ức đẹp nhất để phát hiện và tái tạo. Ông hướng ống kính của mình vào những công việc gắn bó với cuộc sống con người, vào cánh đồng quê, làng mạc, để nhìn thấy những phận người nổi trôi theo đời sống. Chụp về làng quê là một thế mạnh nơi ông. Ở phần này người xem được chứng kiến một nét đẹp hoang sơ mà sâu lắng. Những xóm vắng mà sau những hàng cây đầy ắp những tình người. Mái dạ, hơi cơm, làn khói bếp với những con người đôn hậu mà mà cái tình trong ảnh của ông cứ ngọ nguậy như muốn bung ra khỏi khuôn hình. Người xem cứ bị cuốn hút bởi những cảm xúc này, ông lặng nhìn cuộc sống và tìm ra vẻ đẹp từ những cuộc đời bình dị đó. 

pct5_resize-1

Bóng đổ chiều nghiêng (Phố Trần Duy Hưng, Hà Nội – 1997)

Ông yêu mến những nguyên lý nhiếp ảnh kinh điển, nhưng khi chụp dường như ông lại đoạn tuyệt với nó, ông tìm cảm hứng từ một mạch ngầm sâu thẳm, giản dị mà tinh tế ẩn dưới vẻ hồn nhiên ngây thơ của những khuôn hình. Tác phẩm “Quá khứ và tương lai” như một dấu chấm lửng. Phải chăng ông đã gửi đi một thông điệp: Quá khứ đã định dạng còn tương lai tùy thuộc vào cách ứng xử của con người. Cũng như “Khoảng lặng”, dường như ông muốn khép lại một tình yêu, nhưng nó lại làm nẩy nở một tình yêu mới. Ảnh của Công Thắng là vậy, làm cho người ta phải suy tư, phải trăn trở. Thị trường ảnh Việt Nam hôm nay có thật nhiều bức ảnh mà như người ta nói “Ồn ào nhưng kiệm lời”. Ngược lại ảnh của Phạm Công Thắng ít ồn ào nhưng lại nói lên được nhiều điều. Tôi thích phong cách này trong ảnh của ông cũng như con người ông.

pct10_resize-1

Khoảng Lặng (Bến Ninh Kiều, Cần Thơ – 2015)

Là một người biên tập sách ảnh, tôi hiểu rõ “văn là người và ảnh cũng là người”. Phạm Công Thắng, giống như con người ông, ông sống ân nghĩa với Thanh Hóa nơi ông sinh ra, với Hà Nội, nơi đã nâng niu, nuôi dưỡng  ông từng bước trưởng thành, với bạn bè, đồng nghiệp. Cuốn sách như một lời tri ân của ông với sự nghiệp cầm máy của mình. Ý tưởng để tạo ra một cách diễn đạt riêng của cuốn sách thật tốt, nếu như nó được sắp xếp, biên tập kỹ hơn, in ấn tốt hơn thì thật hoàn hảo.

Khép lại cuốn sách cũng làm người ta NGỘ ra được nhiều điều trong cuộc đời người và cả trong nghiệp ảnh. Như nhà văn Xuân Ba đã nói trong cuốn sách này: “Ngộ dường như một tiền đề và cũng là kết cục của một tài năng”.

Bài: NSNA Văn Thành

Ảnh: NSNA Phạm Công Thắng   

Tin liên quan