Lên núi tìm nấm linh chi

Mùa mưa rừng ẩm, nấm linh chi mọc nhiều, người dân vùng cao rủ nhau lên núi tìm, mỗi người một ngày hái được từ 3 đến 5 kg.

Dãy núi trùng điệp phía trên làng Mỹ Thạnh sau cơn mưa đêm trở nên mát lành. 6h, bà Lê Thị Sơ cùng những hàng xóm mang gùi đi về hướng núi Ba Tung cách làng 10 km đường rừng. Trong gùi, ngoài cây rựa, bầu nước, còn có nắm cơm, con cá trích nướng và gói muối ớt giã. Bên sườn đồi, những rẫy bắp trổ cờ thơm mùi nương rẫy.

Bà Sơ cho biết, thời điểm này rương rẫy đã trồng tỉa xong cũng là lúc nấm linh chi mọc, nên người dân trong làng rủ nhau lên rừng tìm hái để cải thiện nguồn sống. “Mùa mưa, tre nứa núi mọc nhiều nấm linh chi, nên bà con ai cũng tranh thủ”, bà Sơ cho hay.

Nấm linh chi mọc tự nhiên mọc trong rừng nứa ở tỉnh Bình Thuận, Ảnh: Việt Quốc
Nấm linh chi mọc tự nhiên mọc trong rừng nứa ở tỉnh Bình Thuận, Ảnh: Việt Quốc

Theo con đường mòn dẫn từ làng qua hướng núi Ba Tung, nhóm người đi lấy nấm lội qua con đường trơn trượt còn ướt nước do trận mưa đêm hôm trước. Họ băng qua cánh rừng rậm, đi dưới những tán cây rừng to lớn che ánh mặt trời.

Vượt qua hai con suối chảy xiết, rừng tre nứa dần hiện ra trước mắt. Không ai bảo ai, mỗi người bắt đầu tỏa ra, đảo mắt tìm những cây nấm đầu mùa đã bung dù lên khỏi mặt đất. “Nấm đã mọc rồi!”, một người trong nhóm thốt lên.

Những bàn tay thoăn thoắt ngắt những cọng nấm màu nâu đỏ cao chừng nửa gang tay, mũ dù có hình tròn đường kính 8-12 cm. Mặt trên dù có màu nâu đỏ tương tự như cọng thân nấm, còn mặt dưới mũ dù có màu trắng toát. Dù nấm vừa hái tỏa mùi thơm đặc trưng, rất dễ chịu.

Thường dưới gốc lùm tre nứa, mỗi chòm mọc chừng 4-5 cây nấm. Những lùm nứa nhiều lá khô ủ, nấm mọc nhiều hơn, có khi đến cả chục cây. Cúi xuống hái những cây nấm tươi rói, bà Sơ lấy tay gỡ miếng đất bùn còn dính cuối cọng nấm cho sạch, rồi bỏ vào gùi. Hết chòm này, bà cùng hai người trong nhóm tiếp tục đi.

Theo dân làng Mỹ Thạnh, lớp lá tre nứa ủ lâu ngày, khi mưa rừng đổ xuống, khoảng hơn một tháng, từ lớp mùn tre ẩm thấp sẽ mọc lên những đi nấm đầu tiên. Sau đó, mũ đinh sẽ lớn dần, trở thành cây nấm có mũ dù hoàn chỉnh. Khoảng một tuần, nếu không hái, dù nấm to dày sẽ thối đi. Do đó, nấm linh chi phải được hái đầu mùa mới có độ thơm và giữ được lâu.

Dân địa phương cho hay, những năm gần đây, nấm linh chi được người dưới xuôi lên mua nhiều. Cho nên hầu hết người dân sống gần rừng đều đi hái linh chi để kiếm thêm thu nhập bên cạnh sản xuất nông nghiệp.

Bà Lê Thị Sơ, người dân xã Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) bên gùi nấm vừa hái từ rừng trở về. Ảnh: Việt Quốc
Bà Lê Thị Sơ, người dân xã Mỹ Thạnh bên gùi nấm vừa hái từ rừng trở về. Ảnh: Việt Quốc

Đầu mùa, người dân hái nấm ở khu rừng gần làng, sau đó đi vào những cánh rừng xa hơn, leo qua những dãy núi cao hơn giáp huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Bắc. “Mỗi người phải đi bộ từ dãy núi này qua dãy núi khác, cả đi và về 20-30 cây số mỗi ngày”, bà Sơ nói.

Anh Huỳnh Văn Tuấn, một người cùng đi hái nấm ở xã Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam), cho hay hiện vào mùa nấm rộ, mỗi ngày có người kiếm được từ 3 đến 5 kg nấm linh chi tươi.

Nếu kẹt tiền, người đi hái bán ngay nấm tươi cho các bà buôn trong làng sau chuyến đi với giá rẻ, chừng 150 nghìn đồng một ký nấm tươi. Ngoài ra họ sẽ mang về nhà, phơi chừng ba nắng (khoảng 2-2,5 kg tươi thành một kg nấm khô) để dành bán cho người dưới xuôi lên với giá 400-500 nghìn đồng một kg.

“Do mượn tiền trước, nên gần như ai cũng bán nấm tươi cho các bà buôn, dù biết rằng nếu tự phơi khô sẽ bán được giá cao hơn”, anh Tuấn cho biết.

Chị K’ Thị Linh, một người đi hái nấm ở xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, cho hay, trên các dãy núi quanh vùng, nấm linh chi nhiều, bà con tranh thủ đi hái kiếm tiền. Loại nấm thuốc này chỉ mọc trong các rừng nứa có nhiều độ ẩm trên núi cao, nên đi hái rất vất vả, nhất là những ngày mưa gió bão bùng.

Nấm linh chi tự nhiên được hái từ rừng ở Bình Thuận. Ảnh: Việt Quốc
Nấm linh chi tự nhiên được hái từ rừng ở Bình Thuận. Ảnh: Việt Quốc

Mỗi ngày lên rừng hái nấm chị kiếm được chừng 350 nghìn đồng, có hôm trúng cũng được gần 500 nghìn đồng. “Một tuần mình tranh thủ đi hai ngày kiếm tiền mua cá, mua rau, dù vất vả nhưng có thêm thu nhập cũng rất vui”, chị Linh nói.

Bà Hồ Thị Lan, một người chuyên mua nấm linh chi ở Bình Thuận, cho biết các vùng cao của tỉnh như: Hàm Cần, Mỹ Thạnh, La Ngâu, La Dạ, Đông Giang, Phan Tiến, Phan Dũng… đều có người đi lấy nấm linh chi vào mùa mưa. Mùa nấm thường trong ba tháng, từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 9 dương lịch.

Theo bà Lan, nấm linh chi vùng Bình Thuận được bán đi nhiều tỉnh thành, nhất là các tiệm thuốc Bắc ở TP HCM. Những năm gần đây nhu cầu sử dụng loại nấm quý này tăng cao khiến cung không đủ cầu. “Bây giờ ai cũng quan tâm đến sức khỏe, dùng nhiều linh chi, nhất là sau Covid-19”, bà Lan nói.

Theo sách đông y, nấm linh chi tên khoa học là Ganoderma lucudum, được xem như vị thuốc kích thích hệ miễn dịch, điều hòa huyết áp, đường huyết, giảm cholesterol… Trong dân gian, nấm linh chi được coi như loại dược liệu giúp giảm độc tố trong cơ thể, ngăn ngừa các bệnh về gan.

Loại nấm này có thể ngâm rượu uống dần mỗi ngày một cốc nhỏ hoặc hãm nước nóng uống như trà. Có người còn dùng nấm linh chi để nấu với các món canh gà sâm, gà tiềm thuốc bắc.

Tin liên quan