(Nhiếp ảnh Hà Nội) Dù đứng ở đâu cũng không ngoài cõi nước nam này. Nhận định có tính khái quát trong Hội nghị LLPB Trung ương, PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh đã nêu lên: “Hoạt động lý luận phê bình hiện nay lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được những vấn đề của đời sống; thiếu một hệ thống, tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả, tác phẩm; xuất hiện lối phê bình cảm tính, văn hóa phê bình bị hạ thấp”. Nhiếp ảnh của chúng ta cũng đứng chung trên nấc thang này.
Cái nhìn tổng quan về nhiếp ảnh
Hiện nay, trong khi hội nhập và phát triển đã du nhập nhiều luồng, nhiều phương pháp tiếp cận mới trong nhiếp ảnh thì đội ngũ LLPB của ta lại thiếu những người có trình độ, nhiệt huyết, LLPB phát triển theo lối tự phát, cảm tính và dễ dãi. Những sáng tạo có giá trị đúng nghĩa vắng bóng trên diễn đàn nhiếp ảnh nước nhà. Hơn thế nữa nhiều năm chúng ta co cụm trong khuôn mẫu của FIAP, một tổ chức nhiếp ảnh nghiệp dư của thế giới cũng làm cho cái nhìn của chúng ta một chiều, thiên lệch. Sau những thành công không thể phủ nhận của nhiếp ảnh chiến tranh, của công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc thì là cái gì đây? Câu hỏi không có lời giải đáp? Phải chăng là những bộ ảnh được FIAP trao giải về những con người ở vùng dân tộc còn hoang sơ, hay những bức ảnh kỹ thuật số lắp ghép mà người ta cho là giống với hội họa, nhưng chẳng bao giờ là hội họa?
Nhiều hội viên tâm huyết với nhiếp ảnh ưu tư. Có người cảm thán rằng: Mừng khi nhiếp ảnh có Trung tâm lưu trữ ảnh quốc gia hoành tráng. Nhưng ngoài những bức ảnh mà đã góp phần làm nên danh hiệu anh hùng của cả Hội nhà báo mà nòng cốt là TTXVN và Hội NSNAVN (những bức ảnh mà tôi gọi là 2 trong 1 – tức là xuất thân từ báo chí, được công nhận là nghệ thuật) thì cả một khoảng thời gian dài sau đó ta sẽ lưu trữ cái gì. Chẳng nhẽ là một loạt các tấm ảnh giả, mà được ta tạo ra không phải trong khoảnh khắc thăng hoa của người nghệ sỹ trước hiện thực cuộc sống, mà là trong phòng kín giả định với phần mềm Photoshof? Những bức ảnh mà đã có người ví von là ảnh “Xác ướp”- nó cứng nhắc và vô hồn. Những điều như vậy cũng làm cho các nhà LLPB nhiếp ảnh nước nhà phải trăn trở và tìm câu trả lời thỏa đáng. Sáng tác, tác phẩm gắn liền với lý luận phê bình, tạo nên những diễn đàn phát triển tích cực cho đời sống nhiếp ảnh gần đây thật hiếm hoi.
Phải chăng nhiếp ảnh của chúng ta đang đi không đúng hướng? Những sáng tạo có giá trị đúng nghĩa ngày càng lùi xa vào dĩ vãng, thay vào đó nhiếp ảnh quanh quẩn với mấy chủ đề lập lại, khai thác đề tài giản đơn, phiến diện và hời hợt.
Thực trạng LLPB nhiếp ảnh
Giới LLPB thế giới cũng như ở Việt Nam được phân làm 2 loại: nghiệp dư và chuyên nghiệp. Người ta hay gọi phê bình của các nhà báo, các độc giả quần chúng thuộc loại không chuyên. Không ít những bài LLPB chuyên nghiệp bị các BTV của các tòa báo loại bỏ. Họ phàn nàn về phê bình chuyên nghiệp có tính hàn lâm, nặng về học thuật, cho rằng loại phê bình này ít độc giả và kém hấp dẫn. Trong khi đó, chính cái gọi là phê bình nghiệp dư, nhất là của giới báo chí cũng có những cách nhìn nhận rất khác. Loại phê bình này lại góp một phần lớn để quảng bá tác giả, tác phẩm và ảnh hưởng nhiều tới công chúng bởi họ có diễn đàn. Cũng như những nhà phê bình chuyên nghiệp phàn nàn về nghiệp dư. Nói cho cùng, người ta không thể áp đặt sự chuyên nghiệp của loại phê bình này lên chuyên môn của loại phê bình khác. Dù có những chỗ khác nhau nhưng chủ thể này làm chỗ dựa và là đòn bẩy cho chủ thể khác. Chúng bình đẳng với nhau, mở rộng nhiều chủ thể, có nhiều cơ chế phê bình, kiểu phê bình cùng tồn tại để đi tìm cái mới, đi tìm giá trị của cái đẹp là cần thiết.
Nghệ thuật như đại dương bao la, càng đi càng thấy mình nhỏ bé, càng đi càng thấy nó luôn biến đổi. Trong lĩnh vực nghệ thuật đi tìm cái mới không đơn giản dù người ta đang đứng ở cái nôi của nền văn minh nhân loại, trên mảnh đất đang phát triển hay còn hoang sơ nào đó trên trái đất này. Bởi vậy LLPB là cố gắng hiểu, nắm bắt, hòa vào cái đại dương của nghệ thuật mênh mông bao la, đồng điệu với cái kỳ ảo của nó mà khơi nguồn cảm hứng cho các nghệ sỹ để tìm ra các giá trị mới.
Có những người nói rằng cần tạo ra cái mới trong nghệ thuật. Tôi thường băn khoăn về cái gọi là “tạo ra”, nhất là trong nhiếp ảnh: Tạo ra hay đi tìm và phát hiện cái mới? Tạo ra thì dễ với phần mềm photoshop. Đa số các nghệ sỹ tạo ra cái mới bằng phần mềm này chứ không bằng con đường tư duy để nắm bắt, cái cơ bản nhất để nhiếp ảnh của chúng ta được công nhận là nghệ thuật. Đây là một vấn đề cần bàn thảo, bởi nhiếp ảnh vốn gắn liền với hiện thực của cuộc sống. Nhưng môi trường sống hiện nay lại có cuộc sống thực và cuộc sống ảo, dù ai đó có chấp nhận hay không nó vẫn tồn tại. Cuộc sống ảo được tạo ra từ cách mạng công nghệ mà giới nhiếp ảnh tiếp nhận nó như một cứu cánh cho sự bế tắc của riêng mình và coi nó như một phép màu.
Thực trạng LLPB có phần lạc hậu so với sự phát triển của nhiếp ảnh đương đại. LLPB đã trở nên một trận địa yếu. Nó chưa cung cấp cho những người sáng tác, những người thưởng thức nghệ thuật thông tin và luận lý về mọi mặt, giúp họ có thể đánh giá, thưởng thức nghệ thuật một cách lành mạnh. LLPB nhiếp ảnh của ta chỉ nặng về cổ súy hoặc chê bai, phê phán, mà ít có bàn thảo. Thực ra phê phán thì dễ còn bàn thảo thì khó hơn nhiều. Những cuộc hội thảo sau triển lãm người ta chỉ tập trung vào tranh đấu tại sao ảnh này được giải, ảnh kia không được giải hoặc BGK ưu ái người này gạt bỏ người khác. Ở đây ta không nên coi phê bình chỉ nhằm vào phê phán mà coi đó là những cuộc bàn luận có cơ sở về nghệ thuật nhằm nâng cao sự hiểu biết và đánh giá nghệ thuật. Lý luận thường được hiểu như là hệ thống những tư tưởng, quan điểm nhận định có tính lý thuyết về một hiện trạng để chỉ đạo thực tiễn và có liên hệ máu thịt với thực tiễn. LLPB nhiếp ảnh của ta dường như lẫn tránh vấn đề này cốt lõi này.
Hoạt động của nhiếp ảnh ngày nay không chỉ giới hạn ở trong nước, mà nó đã vươn ra nước ngoài, tham gia vào đời sống nhiếp ảnh ở quốc tế. Sự trộn lẫn các phong cách, sự không hiểu biết thấu đáo tinh hình nhiếp ảnh quốc tế đã đưa đến những nhận định không chính xác về các xu hướng nhiếp ảnh, vì thế nghệ thuật nhiếp ảnh khó có điểm tựa để đánh giá một cách chuẩn mực. Vấn đề làm cho các nhà LLPB của ta trở thành lạc hậu và đi vào lối mòn cũng phải nói đến cái định hướng nhiếp ảnh của chúng ta lâu nay lấy tiêu chí của FIAT là mục tiêu lớn duy nhất. Nó ăn sâu vào tới mức có vị lãnh đạo vừa mới khởi xướng mở rộng để đổi thay thì bị phản đối quyết liệt.
Lý luận và Phê bình phải là nghệ thuật
Ai cũng thấy một điều là hoạt động của lý luận thường nhằm vào những vấn đề mỹ học nhiếp ảnh, còn hoạt động của phê bình thường chú trọng đến những vấn đề ứng dụng, đưa những vấn đề mỹ học nhiếp ảnh vào soi sáng cho thực tiễn. Cơ sở này được vận dụng trong LLPB nhiếp ảnh của ta ở mức rất khiêm tốn. Nếu nhiếp ảnh trước đây phần lớn tập trung vào nội dung ghi thực, thì giờ đây nhiếp ảnh đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực nghệ thuật tạo hình nói chung với bao điều mới mẻ. Bởi vậy mỹ học NA cũng có những vấn đề nẩy sinh!
Bản thân nghệ thuật nhiếp ảnh dính tới nhiều chuyên ngành khác nhau như mỹ học và triết học, việc tiếp cận với nhiếp ảnh cũng gợi nhiều ý tưởng về sự tiến bộ của xã hội, cũng như mặt phản ánh những khía cạnh tâm lý của con người, những cảm xúc thẩm mỹ. Việc khái quát những tư tưởng mỹ học làm nhiếp ảnh phong phú thêm về mặt nội dung và hình thức. LLPB nhiếp ảnh của ta chưa phải là một người đồng hành chứ chưa nói gì đến chức năng là người hướng đạo, cảnh báo hay chỉ đường.
Việc nhiếp ảnh thị trường thâm nhập vào lĩnh vực nghệ thuật cũng gây cho sự phát triển nghệ thuật theo hướng thực dụng. Nhiếp ảnh có tính tạo hình cao, nhưng khi thực hành lại ít tư duy dẫn đến sự lặp lại, ngộ nhận về nghệ thuật, những thị hiếu không lành mạnh. Tỉ dụ như cái mà người ta gọi là “Nude để bảo vệ môi trường” của Ngọc Quyên, hay Diệp Lan Anh…. Phương pháp và phong cách này thế giới người ta đã thực hiện. Họ diễn tả và so sánh vẻ đẹp của người thiếu nữ và với những đường nét tạo hình của thiên nhiên hoang sơ, nhắc nhở con người không chỉ biết tận hưởng mà còn phải bảo vệ, không làm tổn hại đến những cái đẹp mà tạo hóa ban tặng cho con người. Những người cầm máy của ta chụp, lên mạng, nhưng thiếu kiến thức mỹ học, thiếu sự hiểu biết và với một ý đồ không rõ ràng, minh bạch nên trở thành phản cảm, đến nỗi mà độc giả phải thốt lên: Chưa thấy ai được cổ vũ bảo vệ môi trường mà chỉ thấy toàn ám ảnh bởi những hình ảnh thiếu vải.
Gần đây nhất bức ảnh gọi là “Nude để thiền”, phía trước là nhà sư ngồi, còn cô gái khỏa thân leo lên vách đá trên đầu của Thái Nhã Vân lại càng khủng khiếp hơn. Phải nói đó là một cách tư duy thô thiển về loại hình nhiếp ảnh này. Ảnh thiền có những lề luật của nó. Đối với ảnh thiền bao giờ cái khách quan cũng được đặt lên trên cái chủ quan. Ý muốn sáng tác của nhà nhiếp ảnh không định trước, mà phụ thuộc vào đối tượng khi tìm thấy sự kiện, và sự kiện ấy hấp dẫn đến mức độ nào, chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào trạng thái, tâm hồn mà nhà nghệ sĩ muốn biểu hiện. Phong cách của ảnh thiền lấy sự giản dị, chân phương, tự nhiên và sâu kín làm điểm tựa cho tình cảm và thái độ của nghệ sỹ đối với ngoại giới. Nhà báo nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Văn cũng có những bộ ảnh thành công theo trường phái này.
Công việc của nhà phê bình
Người ta cho rằng để làm tốt công việc của một nhà LLPB, một trong những cách tốt nhất để đánh giá một hình ảnh là quan sát, suy nghĩ và nói chuyện về nó. Ở đây cảm xúc cũng như sự suy nghĩ không tách rời nhau. Sự diễn giải những bức ảnh có ý nghĩa quan trọng hơn những lời tuyên bố ý kiến đánh giá. Nó là khía cạnh tích cực của phê bình. Diễn giải gia tăng sự hiểu biết và vì thế việc đánh giá thêm sâu sắc, dù sự đánh giá đó cuối cùng là đúng hay sai. Một ý kiến hay kết luận đưa ra mà không có sự hiểu biết là không cảm thông và thiếu trách nhiệm.
LLPB là suy tư bằng ngôn từ những gì mà hình ảnh gợi cho ta cảm xúc, suy nghĩ và hiểu. Nói như Morris Weitz “Phê bình là cuộc đàm luận có cơ sở hay hiểu biết về nghệ thuật nhằm gia tăng sự hiểu biết và đánh giá nghệ thuật”. Ở đây cơ sở và sự hiểu biết là một phẩm chất quan trọng phân biệt phê bình với việc đơn thuần là đàm luận và đưa ra ý kiến không có cơ sở hay hiểu biết về nghệ thuật. Nói một cách đơn giản thì hoạt động của phê bình gồm: miêu tả, diễn giải, đánh giá và phát triển lý luận. Ở đây có thể được xem như là sự tìm kiếm những câu trả lời cho bốn câu hỏi cơ bản: Đây là cái gì? Nó nói về cái gì? Nó tốt cho ai và tốt như thế nào? Nó có là nghệ thuật hay không? Bốn hoạt động này đều là thành phần cấu thành phê bình và sự đánh giá chỉ là một thành phần cần thiết của phê bình. Chúng ta thì nặng về đàm luận nhiều hơn là phê bình thực chất. Một số người làm công tác LLPB được đào tạo bài bản đã nhiều tuổi hoặc không tham gia công việc này nữa, những người trẻ tuổi thì kiến thức cơ sở về nhiếp ảnh thiếu, ít trau dồi về kiến thức mỹ học nên viết phê bình chỉ ở mức độ cảm tính. Nhiều bài viết mang thương hiệu LLPB nhưng không phải là phê bình. Một số bài viết về nghệ thuật chỉ là những bài báo, nó là tin tức về những sự kiện trong giới nghệ thuật hơn là sự phân tích của phê bình.
Theo Ralph Smith phân biệt hai loại phê bình nghệ thuật: phê bình mỹ học khám phá và phê bình mỹ học tranh luận: Trong phê bình mỹ học khám phá, nhà phê bình không đánh giá về giá trị mà cố gắng tìm ra những khía cạnh thẩm mỹ của tác phẩm một cách đầy đủ nhất, để bảo đảm rằng người đọc sẽ trải qua tất cả những điều có thể được thấy trong một tác phẩm nghệ thuật. Loại phê bình này dựa chủ yếu vào tư duy miêu tả và diễn giải. Còn trong phê bình mỹ học tranh luận, sau khi phân tích diễn giải, nhà phê bình tìm ra những khía cạnh tích cực của tác phẩm hay sự thiếu sót của chúng và đánh giá đầy đủ với những ý kiến của họ dựa trên những chuẩn mực chung. Lại có người tiếp cận với phê bình nhiếp ảnh theo lối ứng dụng và lối lý luận như (Andy Grundberg): Phê bình ứng dụng thì thực tế, trực tiếp và nhằm vào tác phẩm. Phê bình lý luận thì triết lý hơn, cố gắng để định nghĩa nhiếp ảnh (hoặc vấn đề mà bức ảnh liên quan), và sử dụng những bức ảnh như là những ví dụ để làm sáng tỏ những tranh luận của nó. Phê bình ứng dụng hướng đến báo chí; còn phê bình lý luận thường hướng đến mỹ học
Tiếp cận với bức ảnh những nhà LLPB được xem là một trong những thành viên có hiểu biết của công chúng về những tác phẩm nghệ thuật giúp độc giả đặt nghệ thuật trong một bối cảnh ra đời của nó, so sánh nó trong mối quan hệ với những bức ảnh tương tự khác. Bởi vậy người ta hay quan tâm tới mối quan hệ giữa nhà phê bình và nghệ sỹ. Không có những câu trả lời dễ dàng cho những vấn đề về đạo đức trong phê bình. Những nhà phê bình cũng là một con người, có bạn bè, có người yêu kẻ ghét. Nhà phê bình có lẽ tìm kiếm sự khám phá từ người nghệ sĩ, trong khi người nghệ sĩ lại tìm kiếm nhận thức từ nhà phê bình. Trong mối quan hệ này người ta nói rằng “Một nhà phê bình mà không cảm thấy đau khổ trong mối quan hệ với những nghệ sĩ (thông qua tác phẩm) là một con điếm. Một nhà phê bình không bao giờ quan hệ với những nghệ sĩ, sợ bị lợi dụng là một trinh nữ. Trong cả hai trường hợp họ đều không biết gì về tình yêu”.
Việc làm của họ tốt nhất của người làm công tác phê bình là làm cho người nghệ sĩ biết tác phẩm của họ đang được cảm nhận như thế nào từ phía công chúng. Giá trị của một bài phê bình hay, đó là làm gia tăng sự hiểu biết và đánh giá về mỹ thuật.
Lý luận trong LL-PB
Nhiếp ảnh đương đại đang tiệm cận với những vấn đề như: Sự nhất chí về thói quen thẩm mỹ của xã hội là gì? Nhiếp ảnh góp phần cải tạo XH hiện nay ra sao? Quan điểm về tính chân thực trong trong nhiếp ảnh hiện đại (hay người ta còn gọi là Chủ nghĩa hiện thực qui ước) hiểu như thế nào là đúng? Vậy mà chúng ta vẫn quẩn quanh với những vấn đề khoảnh khắc, độ nét, điểm vàng….Tôi xin nhắc lại câu nói của GS, nhà phê bình văn học Đặng Thai Mai nói với những nhà LLPB: Xin đừng đi gõ những cánh cửa đã mở! Thế giới nhiếp ảnh của chúng ta hiện nay có bao điều mới mẻ!
Cuộc sống trong thời kỳ KTS đã đi vào những chủ đề của nó như hư ảo. Chúng không mô tả những khoảng thời gian được nắm bắt trong một khuôn hình và thể hiện quá khứ một cách rõ ràng. Chúng là những bức ảnh lơ lửng trong tiến trình liên tục để trở thành chính nó và có liên quan với sự thay đổi chính nó, thời gian và không gian là những con số như một chỉnh thể có thể thay đổi liên tục, và kỳ lạ, hình ảnh như bóng ma, mờ nhoè, thiếu độ sắc nét. Khuynh hướng này tìm cách giải phóng suy nghĩ và chiếc máy ảnh khỏi sự kiểm soát của lý trí và quan trọng nhất là gợi lên những mức độ hiện thực thị giác khác. Giờ đây nhiếp ảnh trở nên gần với hiện thực hơn là hội hoạ và những hình thức miêu tả khác chăng? Nhiều lý luận đã được dựng nên xung quanh nó và nhận được những câu trả lời khác nhau. Vấn đề thuộc về bản thể học của bức ảnh, bản chất triết học của nó. Những câu trả lời khác nhau có thể được phân thành hai khuynh hướng chính, “chủ nghĩa hiện thực” và “chủ nghĩa hiện thực quy ước”, cũng đang là những vấn đề phải tìm được câu trả lời minh triết.
Người ta tin tưởng một cách đơn giản rằng nhiếp ảnh không thể giả mạo, nhưng cũng có người nói rằng “Những bức ảnh có thể không giả dối nhưng những kẻ giả dối có thể chụp ảnh”. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng nhiếp ảnh không bao giờ nói dối, chí ít cũng về sự hiện hữu của nó. Thật đáng buồn khi trong giới nhiếp ảnh của ta việc “đạo ảnh” gần đây lại thường xuyên xẩy ra dưới nhiều hình thức rất đáng báo động. Xin đừng để những kẻ “đạo ảnh” làm cho con người nghi ngờ tính chân thật vốn rất trong sáng của môn nghệ thuật này.
Nhiếp ảnh làm thay đổi cách nhìn với thế giới. Lĩnh vực hoạt động của nhiếp ảnh không hẹp hơn bất kỳ một ngành nghệ thuật nào khác trong các nghệ thuật tạo hình. Kỹ thuật điện tử đẩy nhiếp ảnh lên một bước tiến mới, mở rộng khoảng không sáng tạo, vĩnh cửu hóa tư liệu và nghệ thuật. Xin lưu ý rằng bây giờ người ta nói: “Vĩnh cửu hóa tư liệu và nghệ thuật”, chứ không phải chỉ là “Biến khoảnh khắc trở thành vĩnh cửu”. Nhiếp ảnh và hội họa là hai nghệ thuật rất gần nhau, nhưng rõ ràng nội dung và hình thức của hai loại nghệ thuật tạo hình này hoàn toàn khác nhau. “Một bức ảnh dù đạt nghệ thuật cao, nhưng thoát ly thực tế, xa rời cuộc sống, thì giá trị bức ảnh đó không đáng giá, nó chỉ còn là một trò chơi ánh sáng”. Đó cũng là lý do tại sao dòng hiện thực phải loại ra những cái gọi là tác phẩm, mưu toan dùng những kỹ xảo khác nhau để giải phóng ảnh nghệ thuật ra khỏi cái gọi là “xiềng xích” của sự chân thật.
Những lý luận về nhiếp ảnh thì nhiều và quan trọng. Người ta khẳng định giá trị của nó dù đôi khi chúng lại trái ngược nhau.
Tác giả bài viết: Nhà LL-PB Nguyễn Thành