Tháng 8-9, trẩu rừng rụng đầy trên nương rẫy, người dân Hướng Hoá nhặt về, bán kiếm hàng chục triệu mỗi mùa.
Tháng 8 và 9 hàng năm, cây trẩu vào mùa rụng quả. Chục năm trở lại đây, hạt trẩu được nhiều thương lái thu mua nên đến mùa người dân 2 huyện miền núi Hướng Hoá và Đăkrông lên rương rẫy, vào rừng nhặt quả về bán. Hạt trẩu được ép lấy dầu, dùng trong công nghiệp sơn, keo.
Tháng 3, hoa trẩu nở thành từng chùm trắng muốt núi rừng Trường Sơn. Nửa năm sau, quả đến độ chín và tự rụng.
Quả trẩu hình tròn, đường kính khoảng 5cm, thường có 3 múi và nhọn ở cuối trái. Bên trong chứa 3 hạt, to cỡ ngón tay cái người lớn.
Trẩu là cây quen thuộc với người dân vùng cao Quảng Trị, được trồng quanh nương rẫy để che chắn gió.
Sáng sớm, ông Hồ Văn Pháo (53 tuổi, trú thôn Nguồn Rào Pin, xã Hướng Sơn, Hướng Hoá) lót tấm chăn mỏng, đặt cháu nội hơn một tuổi vào xe rùa rồi đẩy đi quanh vườn, vừa tranh thủ nhặt trẩu, vừa trông cháu.
Tuy nhiên, để thu hoạch được nhiều, người dân thường mang gùi vào nương rẫy sâu trong rừng, nơi trẩu mọc dày đặc. Sau gần một tiếng lội bộ, bà Hồ Thị Sơ (55 tuổi) cũng đến được rẫy của mình.
Ban đầu, trẩu là cây rừng, mọc tự nhiên, nhưng sau này hạt trẩu có giá trị nên người dân giữ lại và trồng thêm cây mới. Bà Sơ có 1,5 ha đất rẫy, chủ yếu là cây trẩu. Để dễ nhặt quả trẩu, bà phát hết thực bì, cây bụi nên nhìn rừng trẩu rất đẹp. Năm nay, bà Sơ thu được hơn một tấn hạt, bán hơn 10 triệu đồng.
Ở gần đó, chị Hồ Thị Thông (37 tuổi) một tay nhặt trẩu, một tay cầm dao phát hết cây bụi. Chị có 3 khu rẫy, diện tích gần 3ha, trong đó một mảnh trồng cà phê, 2 mảnh còn lại để trẩu mọc tự nhiên. Những năm gần đây, giá cà phê xuống thấp, trong khi phải bỏ công chăm sóc, phân bón nên thu nhập không cao hơn trẩu.
Vỏ quả trẩu được tách ngay tại nương rẫy, người dân chỉ gùi hạt về nhà. Hạt trẩu tươi có giá bán 8.000 đến 10.000 đồng mỗi kg, trong khi trẩu khô giá 12.000 đồng mỗi kg.
Tranh thủ chút giải lao, hai người phụ nữ bàn tính chọn những hạt trẩu tốt để trồng thêm trên rẫy. Là cây rừng nên trẩu trồng đơn giản, không cần phân bón, chăm sóc, khoảng 3 năm tuổi bắt đầu cho quả, và cho đều đặn hàng năm.
Kết hợp nhặt trẩu, bà Sơ còn chăn thêm một còn bò. Bà cho hay nhờ nhặt hạt trẩu, gia đình có thêm thu nhập.
Một số người dân không kịp tách hạt tại rẫy thì gùi về nhà rồi tách hạt sau.
Trẩu chín, rụng xuống đất thì các múi sẽ nứt ra, dễ tách hạt hơn. Trẩu tự rụng có giá cao, còn trẩu xanh trên cây, hái xuống sẽ không chất lượng. Điều đặc biệt là trẩu rụng trên nương rẫy ai thì người đó nhặt, người dân không xâm phạm của nhau.
Trẩu nhặt về nhà sẽ có thương lái thu mua tận nhà. Anh Vũ Đức Cảnh (38 tuổi, trú xã Hướng Sơn) đánh giá trẩu mất mùa do ảnh hưởng của đợt mưa lũ năm ngoái. Đã đến giữa mùa nhưng anh chỉ mới mua được 4 tấn.
Nắng đẹp, trẩu được phơi ngày rưỡi sẽ khô, vỏ nứt nhẹ. Nếu phơi quá, vỏ hạt trẩu nứt rộng ra thì hạt sẽ bị mốc trong quá trình bảo quản.
Ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn, cho biết lâu nay, người dân tự phát trồng cây trẩu nên địa phương chưa thống kê được diện tích, sản lượng và giá trị kinh tế.
UBND huyện Hướng Hoá cũng định hướng trồng trẩu trên các vùng đất trống, vừa tạo cảnh quan thu hút du lịch vào mỗi dịp xuân về, đồng thời tăng thu nhập cho người dân.