Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội cảm nhận “trái tim” Việt Nam bằng ảnh

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Thủ đô đã hội tụ về ngôi nhà nghệ thuật 19 Hàng Buồm (Hà Nội) để cùng nhau tìm ra hướng đi mới, đưa loại hình nghệ thuật nhiếp ảnh của Hà Nội ngày càng phát triển hơn nữa. Hội thảo “Nhiếp ảnh nghệ thuật với thực tiễn cuộc sống”, do Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức sáng 16-4, đã nhận được nhiều ý kiến, tham luận của những nhà phê bình nhiếp ảnh, giúp cho các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ có thêm kiến thức về nghệ thuật nhiếp ảnh đương đại.

Hà Nội – cái nôi của nhiếp ảnh cả nước

Từ xa xưa, Hà Nội đã là cái nôi của nhiếp ảnh cả nước, năm 1869, ông Đặng Huy Trứ đã mở hiệu ảnh “Cảm Hiếu Đường” ở phố Thanh Hà; năm 1892, ông Nguyễn Đình Khánh mở hiệu ảnh Khánh Ký ở phố Hàng Da, sau đó ông hướng nghiệp cho hàng trăm dân làng Lai Xá quê ông theo nghề ảnh.

nhiep-anh-ha-noi-anh-nghe-thuat-cai-noi-cua-ca-nuoc-01

NSNA Đặng Đình An, Chủ tịch Hội NANT Hà Nội đã nêu lên những vấn đề còn tồn tại hiện nay của nghệ thuật nhiếp ảnh đương đại và quá trình sáng tác tác phẩm ảnh nghệ thuật ngày nay.

Khi Thủ đô được giải phóng năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, lực lượng sáng tác lúc đó là những nghệ sĩ đi theo kháng chiến về Thủ đô như nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định, Triệu Đại, Nguyễn Đình Ưu…và những nghệ sĩ ở trong vùng tạm chiếm: Võ An Ninh, Lê Đình Chữ, Đỗ Huân…đã cùng nhau tiếp cận, phản ánh cuộc sống mới của Hà Nội khi đó. Nhiều tác phẩm của họ đã để lại ấn tượng sâu sắc với người xem như: “Hà Nội đón chào trung đoàn Thủ đô trở về” của Vũ Minh, “Mùa thu hoạch” của Đức Như, “Thanh niên trên công trường” của Tân Sơn, “Ngày sản xuất, đêm học tập” của Nguyễn Đức Vân…

Trong số các công trình nhiếp ảnh chào mừng 1000 năm Thăng Long có nhiều cuốn sách ảnh ghi lại các sự kiện, nhân vật lịch sử có giá trị cao, trở thành những tư liệu quý giá cho muôn đời, đó là cuốn “Thủ đô Hà Nội”, “Hình ảnh Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”, “Thăng Long- Hà Nội qua hình ảnh”…

Nhà phê bình nhiếp ảnh Trần Đương khẳng định: Nhìn lại chặng đường phát triển của nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội, chúng ta tưởng nhớ đến nghệ sĩ Đỗ Huân, người đặt nền móng cho loại hình nghệ thuật này ở Thủ đô. Những cuộc triển lãm quy tụ các tác phẩm xuất sắc của những nghệ sĩ cả nước diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong các năm 1952, 1953, 1954 đã để dấu ấn tốt đẹp với người xem và góp phần khẳng định vị thế của nghệ thuật nhiếp ảnh trong lòng công chúng.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng-một người con của Hà Nội đã được tôn vinh với giải thưởng “Bùi Xuân Phái-vì tình yêu Hà Nội”, dù tuổi cao nhưng suốt 60 năm cầm máy, ông vẫn ngày ngày mang máy ảnh  ra hồ Gươm, bất kể mưa hay nắng, sớm hay chiều. Ông yêu Hà Nội với tình yêu da diết, mãnh liệt. Mỗi góc phố, mỗi con đường của Thủ đô đều in đậm dấu chân người nghệ sĩ tài năng này. Để rồi, những bức ảnh về một Hà Nội thanh bình, hồ Gươm bảng lảng sương mỗi buổi sớm mai của ông đã chinh phục biết bao độc giả.

Còn nhiều những nghệ sĩ nhiếp ảnh nặng lòng với Thủ đô Hà Nội, họ vẫn đang miệt mài sáng tác; triển lãm ảnh “Cảm xúc Hà Nội” của nghệ sĩ Hoài Linh là kết quả của 5 năm quan sát, lắng nghe, cảm nhận từng “hơi thở” của mảnh đất được coi là “trái tim” của cả nước; nghệ sĩ Phạm Xuân Chính thể hiện tình yêu chan chứa với Hà Nội trong triển lãm “Hà Nội ký ức trong tôi”.

Nhà nhiếp ảnh phải như người “thợ săn” cần mẫn

Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội Hồng Trọng Mậu cho rằng: Nhiếp ảnh Hà Nội luôn bám sát cuộc sống, cập nhật sự kiện có ý nghĩa xã hội, lấy người thực, việc thực làm nòng cốt. Bằng những góc nhìn, tư duy sáng tạo, các tác giả đã thể hiện nổi bật nhân vật chính. Những năm gần đây, phong trào nhiếp ảnh ở Thủ đô phát triển mạnh mẽ nhưng hình thức nghệ thuật thể hiện có phần lơi lỏng, nhất là với những người mới vào nghề. Dù nội dung có tốt bao nhiêu nhưng cách thể hiện không đạt chất lượng nghệ thuật thì bức ảnh đó khó đi vào lòng người.

Nhận xét về chất lượng các tác phẩm nhiếp ảnh hiện nay,  Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội Đặng Đình An nhấn mạnh: Cái tầm của nhiếp ảnh nghệ thuật thời gian qua vẫn quanh đi quẩn lại với những mô tuýp quen thuộc, chưa có đột phá mới. Có cảm giác, nhiều nhà nhiếp ảnh cố gắng chạy theo “thực tiễn cuộc sống” nhưng nhiều lúc lâm vào trạng thái như kiểu “lực bất tòng tâm”, vì tác phẩm vẫn xa vời cuộc sống, không tạo sự hấp dẫn cho người xem. Nhiều cuộc triển lãm không gây ấn tượng mạnh cho công chúng và những nhà chuyên môn. Để tạo ra một bức ảnh có tính nghệ thuật cao, vượt qua sự tầm thường của một bức ảnh ghi chép thì người chụp phải biết cách tiếp cận cuộc sống, nắm bắt khoảnh khắc và nhìn nhận thấu đáo trước khi bấm máy, từ đó mới tạo ra tác phẩm ảnh đẹp.

nhiep-anh-ha-noi-anh-nghe-thuat-cai-noi-cua-ca-nuoc-03

Hội đồng LLPB chia sẻ và trả lời những thắc mắc của các nghệ sĩ về quá trình đi sáng tác và sáng tạo tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật.

Tác phẩm ảnh được phải được phản ánh từ thực tiễn cuộc sống, các nhà nhiếp ảnh nhìn cuộc sống qua khuôn hình 3×4 để tư duy ảnh. Trong tư duy ảnh đòi hỏi nhà nhiếp ảnh phải đúc kết được nhiều kiến thức về cuộc sống, trong đó không thể thiếu kiến thức về cái đẹp-thẩm mỹ học. Thành công của tác phẩm nhiếp ảnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Đình An thì điều cơ bản nhất là tư duy và cách tiếp cận cuộc sống.

Để đưa loại hình nghệ thuật nhiếp ảnh ngày càng phát triển, theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Văn Cảnh, song song với việc phát triển phong trào nhiếp ảnh, đẩy mạnh xã hội hóa nhiếp ảnh, phải tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhiếp ảnh thì mới có tác phẩm đạt chất lượng cao.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Nhật – Ủy viên Hội đồng nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội nhấn mạnh: Ngày nay, các nhà nhiếp ảnh để tâm nhiều đến chất lượng và độ phân giải của máy ảnh. Khoảnh khắc nhiếp ảnh đang bị lãng quên. Hội thảo “Nhiếp ảnh nghệ thuật với thực tiễn cuộc sống” phần nào đáp ứng mong mỏi của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội vì những nội dung thiết thực.

Tác phẩm mang hơi thở cuộc sống bao giờ cũng được công chúng trân trọng, đón nhận. Nhà nhiếp ảnh phải như người “thợ săn” cần mẫn mới có thể “chộp” được khoảnh khắc độc đáo. Hội thảo “Nhiếp ảnh nghệ thuật với thực tiễn cuộc sống” chưa thể thay đổi nền nhiếp ảnh Thủ đô trong “một sớm, một chiều” nhưng đã góp phần để những nhà nhiếp ảnh nhìn nhận lại bản thân và có thêm kiến thức để phục vụ việc sáng tác sau này.

 

Tin liên quan