(Khám phá) Diện mạo khá tương đồng với Dinh thự vua Mèo, ngôi nhà cổ Há Súng đang gây hiếu kỳ về giá trị kiến trúc và nguồn gốc lịch sử.
Cách ngã ba Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) chưa đến 3 km, ngôi nhà cổ thuộc thôn Há Súng khuất sau một thung lũng đá tai mèo của xã Lũng Táo. Với diện mạo khá tương đồng với Dinh thự vua Mèo nổi tiếng, ngôi nhà đang thu hút nhiều chú ý bởi giá trị kiến trúc đặc sắc và những dấu hỏi về nguồn gốc, lịch sử của nó.
Thôn Há Súng cách Dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức chỉ 3 km, từ ngã ba Sà Phìn đi lên hướng cột cờ Lũng Cú. Nếu không chú ý, du khách sẽ rất khó vào được thung lũng này.
Giống Dinh họ Vương, nhà cổ Há Súng cũng được xây trên một gò đất cao nhìn xuống thung lũng, lối lên trải dài bằng đá. Ngôi nhà là sự giao thoa kiến trúc của đồng bào Mông với người Hoa Nam (Trung Quốc), gồm 3 khối nhà. Hai khối trái – phải sẽ thụt xuống, khối chính giữa nhô ra phía trước.
Cửa chính làm bằng gỗ với ngạch cửa cao, một kiến trúc quen thuộc với đồng bào Mông. Phần cổng bên dưới có hai khối đá lớn nguyên tảng, chạm khắc hoa văn tinh xảo, dù đã mờ theo năm tháng.
Thuộc sở hữu của dòng họ Vừ, nhà cổ Há Súng đã hơn 100 năm tuổi. Theo những thông tin ít ỏi thu thập được, ngôi nhà này đã trải qua 7 đời, do một nhóm thợ vùng Hoa Nam (Trung Quốc) xây dựng lên. Ngôi nhà họ Vừ xây xong nhóm thợ mới xây Dinh thự vua Mèo, nên kiến trúc hai ngôi nhà khá giống nhau.
Chính giữa gian nhà chính là khoảng không giếng trời làm điểm nhấn. Xung quanh có đủ các gian: phòng ngủ, phòng khách, bếp…
Gian chính có thiết kế hình vuông hai tầng, bên trên là tầng lửng. Toàn bộ tường đều có kết cấu kiểu “trình tường” của người dân tộc. Ngoài ra, chiếu nghỉ, ban công lẫn hành lang được làm bằng gỗ quý. Phủ kín nhà là mái ngói âm dương.
Trong nhà họa tiết hoa anh túc xuất hiện khắp nơi, từ trên cột kèo gỗ đến chân cột nhà bằng đá. Giữa sân còn có một bồn tắm đá cực kỳ quý hiếm với niên đại ngang ngôi nhà.
Ngoài quy mô của một dinh thự bề thế cũ, nhà cổ Há Súng còn hàng loạt tiểu tiết trang trí tinh tế, tỉ mỉ: nội thất gỗ chạm khắc theo phong cách Hoa Nam, mái hiên dưới là gỗ trên phủ ngói âm dương, và hai trụ đá nguyên khối ở cổng.
Nhịp sống trong căn nhà trăm tuổi này hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài, chậm rãi và đầy hoài niệm.
Nhìn kiến trúc có thể thấy chủ nhân trước kia của ngôi nhà phải là một nhân vật ảnh hưởng trong vùng và quan hệ mật thiết với vua Mèo Vương Chính Đức. Tuy vậy danh tính, gia thế người họ Vừ và nguồn gốc, lịch sử ngôi nhà đến nay vẫn chưa được giải đáp. Con cháu dòng họ Vừ – hầu hết không biết tiếng Kinh – cũng không đưa ra được các thông tin rõ ràng. Họ chỉ biết mình là người dòng họ Vừ, sinh ra đã được tổ tiên truyền lại cho căn nhà, cứ thế cha truyền con nối sở hữu nó.
Minh chứng cho tuổi đời của ngôi nhà chính là sự xuống cấp, khoảng tường bên ngoài toàn bộ dãy nhà đã có rất nhiều vết tróc lở, đất trình tường đã vỡ thành những mảng lớn…