Nhiều chợ ở Sài Gòn ngưng hoạt động

Chợ đầu mối Hóc Môn, chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú), chợ Hoà Hưng (quận 10), chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình)… phải tạm ngưng hoạt động do phát hiện nhiều ca nhiễm nCoV.

Chợ đầu mối Hóc Môn tập kết hàng trực tiếp từ 0h hôm nay đến ngày 4/7 để phòng chống dịch. Các tiểu thương được yêu cầu thay đổi hình thức vận chuyển, giao dịch trực tuyến và đưa hàng tận nơi cho khách mà không mua bán trực tiếp tại chợ.

Chợ đầu mối Hóc Môn trước thời điểm ngưng tập kết hàng trực tiếp, tối 27/6. Ảnh: Quỳnh Trần.
Chợ đầu mối Hóc Môn trước thời điểm ngưng tập kết hàng trực tiếp, tối 27/6. Ảnh: Quỳnh Trần.

Động thái ngưng tập kết hàng tại chợ Hóc Môn do nơi đây xuất hiện 19 ca nhiễm và nhiều ca bệnh liên quan các chợ khác. Chợ có diện tích 100.000 m2 với 350 sạp, hơn 4.000 tiểu thương, nhân viên và là một trong 3 chợ đầu mối lớn nhất TP HCM. Chính quyền thành phố đã lên phương án điều tiết, phân phối, hỗ trợ tiểu thương sau khi chợ Hóc Môn tạm ngưng để tránh đứt gãy nguồn cung hàng hóa.

Tại chợ Sơn Kỳ, ngày 19/6 ở đây đến chợ đầu mối Hóc Môn lấy hàng, sau đó xét nghiệm kết quả nhiễm nCoV. Tiến hành truy vết những người liên quan, cơ quan y tế phát hiện 93 trường hợp dương tính, là tiểu thương, người nhà và người sống gần chợ. Chợ đã bị phong tỏa và hơn 22.000 cư dân sống ở khu vực chợ được lấy mẫu xét nghiệm.

Chợ Hoà Hưng (quận 10), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình)… cũng bị ngưng hoạt động do liên quan các ca Covid-19.

Chợ đầu mối Bình Điền ngưng hoạt động tạm thời để quân đội phun khử khuẩn toàn khu vực chợ. Ảnh: Hữu Khoa.
Quân đội phun khử khuẩn toàn khu vực chợ đầu mối Bình Điền, ngày 27/6. Ảnh: Hữu Khoa.

Hôm qua, toàn bộ chợ đầu mối Bình Điền – nơi cung cấp 70% hàng hóa, thực phẩm cho TP HCM phải tạm ngưng để quân đội phun khử khuẩn khu chợ. Hơn 10 ngày trước, ngành y tế thành phố phát hiện một bốc xếp tại chợ này mắc Covid-19 và đến nay ghi nhận 32 ca nhiễm liên quan. Hiện, chợ đã hoạt động trở lại với sự giám sát của chính quyền và cơ quan y tế.

Liên quan chuỗi lây nhiễm khu vực chợ Kim Biên, ngày 16/6 từ ca dương tính là người nhà nhân viên cửa hàng quẹt gas, số 38A đường Vũ Chí Hiếu, cơ quan y tế ghi nhận thêm 8 ca nhiễm. Đây là những ca nằm ở khu vực đối diện chợ Kim Biên, đã được cách ly, phong toả. Do không kinh doanh mặt hàng thiết yếu, chợ đã dừng hoạt động từ ngày 31/5 khi TP HCM áp dụng Chỉ thị 15.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 thành phố chiều 25/6, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết lo ngại nhất hiện nay là các ca nhiễm phát hiện ở chợ truyền thống, chợ đầu mối vì những nơi này mật độ tiếp xúc lớn.

Trước đó, UBND thành phố đã cấm các chợ tự phát hoạt động từ ngày 20/6 sau khi đánh giá đây là những khu vực nguy cơ cao về lây nhiễm dịch.

Ông Phong giao Sở Công thương thảo luận với các quận liên quan, yêu cầu các hộ kinh doanh trong các chợ đầu mối cam kết thực hiện bộ tiêu chí an toàn phòng dịch. Riêng chợ truyền thống cần được tính toán và nghiên cứu mô hình mà quận 8 đã làm là cho các tiểu thương luân phiên, bán theo ngày.

Sau đó Sở Công thương có văn bản yêu cầu TP Thủ Đức và các quận huyện có biện pháp tăng cường phòng dịch tại các chợ truyền thống. Các chợ tạm ngưng kinh doanh hàng hóa không thiết yếu. Tiểu thương phải ghi chép nhật ký bán hàng, thông tin khách… để phục vụ cách ly, truy vết khi cần thiết.

Đến tối 27/6, TP HCM xếp thứ hai về tổng số ca nhiễm trong đợt dịch thứ 4 với 3.218 trường hợp, chỉ sau tỉnh Bắc Giang ghi nhận 5.630 ca.

Tin liên quan