(Nhiếp ảnh Hà Nội) Mỗi dịp Tết đến Xuân về khiến tôi bồi hồi nhớ lại những ngày Tết với bao khó khăn, thiếu thốn trong thời kỳ bao cấp ở Hà Nội. Đã hơn 30 năm trôi qua kể từ khi xóa bỏ bao cấp nhưng những ký ức ngày ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Thời kỳ bao cấp, thời kỳ tem phiếu, mua cái gì cũng phải xếp hàng. Xếp hàng mua từ bao diêm, xà phòng, vải vóc cho đến rau dưa, mắn muối, gạo, củi, dầu lửa… ở các cửa hàng mậu dịch. Thứ gì cũng phải mua bằng tem phiếu mà lại chỉ có giá trị trong tháng và định lượng rất ít ỏi.
Vâng, hồi bấy giờ ai nấy đều muốn mua được hàng nên nẩy sinh ra chuyện nhờ nhau xếp hàng. Vào những ngày giáp Tết thì người xếp hàng càng đông và mua hàng càng khó hơn. Gia đình nào cũng muốn hết các tiêu chuẩn Tết càng sớm càng tốt. Một vài người láu cá hơn đã lấy gạch, nón… xếp hàng từ tối hôm trước. Thế rồi nhiều người thấy thế cũng bắt chước làm theo. Lâu dần xếp gạch mua hàng thành một thói quen của thời bao cấp. Lớp thanh niên phải đi xếp hàng thì nghịch ngợm hơn, nửa đêm lẻn ra vứt gạch của những người xếp từ chập tối, thay gạch của mình vào. Sáng ra mọi người đến chờ mậu dịch viên mở cửa, bất chợt có tiếng kêu thất thanh như mất của vì không tìm thấy gạch của mình đâu. Có những lúc họ còn cãi nhau và xẩy ra xô xát v.v… Giờ nghĩ lại, tôi và chắc hẳn nhiều người sẽ không nhịn được cười; xem như chuyện tiếu lâm vậy.
Khó khăn vậy mà nhà nào nhà nấy đều rạo rực, háo hức chờ đón năm mới. Gần Tết Nguyên đán, nhà nào cũng phải đi xếp hàng từ 03h00 – 04h00 sáng để mua hàng tiêu chuẩn Tết. Tôi còn nhớ mỗi người được 03 lạng thịt, 01kg bột mì và 1 túi hàng Tết có hộp mứt thập cẩm, gói chè, bao thuốc Điện Biên, hoặc Trường Sơn bao bạc, chai rượu hoa quả của Nhà máy rượu Hà Nội, gói kẹo của Xí nghiệp Kẹo Hà Nội, măng, miến, bóng bì, đậu xanh và gạo nếp để gói bánh chưng và bánh pháo; mỗi thứ một ít theo định lượng.
Chúng tôi chỉ được nghỉ Tết chiều 30 Tết đến hết mùng 3; mùng 4 đã phải đi làm rồi chứ không được nghỉ nhiều như bây giờ. Tiêu chuẩn mỗi người chỉ được vài lạng thịt cho cả tháng, vì thế lúc nào chúng tôi cũng thèm thịt, cá. Nhà đều chỉ có ngày 30 Tết để dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, bao sái và bày biện bàn thờ. Lúc bấy giờ ở Hà Nội nhà nào cũng nhỏ hẹp và còn rất nghèo. Công chức ít người có tiền mua đào, quất nhưng dọn dẹp nhà cửa xong thường cùng chồng con đi chợ hoa Hàng Lược – một trong những chợ hoa nổi tiếng ở Hà Nội những ngày giáp Tết. Nhiều người chỉ đi chơi, ngắm hoa chứ không đủ tiền mua. Hoa cắm trong nhà trong ngày Tết chủ yếu là thược dược, violet, điểm vài bông lay ơn, cúc, đồng tiền… Cũng có nhà khá giả thì mua được một cành đào Nhật Tân cắm trên bàn thờ hoặc một cây quất Tứ Liên nhỏ để trang chí nhà cửa là sang lắm rồi.
Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là Tết lớn nhất trong năm. Nhà nào cũng cố sắm cái Tết cho thật tươm tất, chí ít cũng phải có con gà cúng đêm Giao thừa rồi để mùng 1 Tết làm cơm cúng gia tiên. Mâm cỗ Tết của người Hà Nội thường có ba bát hoặc bốn bát: canh măng, canh bóng và canh khoai; năm đĩa: gà luộc, giò lụa, giò xào, hạnh nhân xào và nộm hoặc chả quế tùy theo điều kiện từng gia đình. Món hạnh nhân xào nghe thì tưởng như sang trọng nhưng thực tế đầu thừa, đuôi thẹo của su hào, cà rốt. Họ đem thái hạt lựu, xào với mề gà thái nhỏ và thêm ít lạc rang tách đôi. Trong mân cỗ Tết của người Hà Nội không thể thiếu vắng đĩa xôi gấc và bánh chưng. Trên bàn thờ phải có mâm ngũ quả gồm nải chuối, bưởi, cam đường, táo Thiện Phiến, quất, ớt; bánh chưng và cành đào nhỏ. Có nhà sang hơn thì có hai con gà ăn Tết.
Khó khăn, thiếu thốn trăm bề vì thế ngày Tết Nguyên đán được coi là sự kiện trọng đại nhất trong năm. Tết đến, nhà nào cũng lo nồi bánh chưng. Bánh chưng không có sẵn ngoài chợ như bây giờ, họ phải tự gói và luộc lấy. Nhiều nhà không có điều kiện phải rủ nhau nấu chung nồi bánh chưng. Tôi vẫn nhớ cái không khí rộn ràng, náo nức của những ngày giáp Tết thời bao cấp. Từ già đến trẻ, trai đến gái đều háo hức mong chờ Tết đến để được ăn ngon, mặc quần áo mới. Còn những trụ cột của gia đình thì lo lắng, tất bật lo sao cho cái Tết được tươm tất, đầy đủ. Họ đi mua và rửa lá dong trước vài ngày. Đến 30 Tết thì vo gạo, đãi đỗ để gói bánh chưng, mặc cho trời rét lạnh buốt của ngày giáp Tết. Ngày Tết ở Hà Nội không thể thiếu món chè kho; có nhà còn nấu chè bà cốt hoặc chè con ong…
Đúng Giao thừa, nhà nào cũng đốt pháo nổ ròn rã, rộn ràng khiến không gian trở nên náo nhiệt. Sau giao thừa, hàng xóm láng giềng rủ nhau đến từng nhà chúc Tết. Tết thời bao cấp ai cũng khó nên không có chuyện mừng tuổi nhiều như bây giờ mà chỉ mừng tuổi con trẻ và ông bà. Ngày Tết, ai cũng tay bắt mặt mừng, vui tươi, phấn khởi; chúc nhau một năm mới an khang, thịnh vượng. Họ quên đi mọi chuyện cãi vã, giận hờn của năm cũ để đón chào năm mới và hy vọng một tương lai tươi sáng hơn, no ấm hơn.
Tất cả thứ đó giờ đây đều đã trở thành dĩ vãng vui buồn lẫn lộn. Tuy vậy nhiều người trong chúng tôi vẫn nhớ và đôi lúc kể lại cho con cháu nghe. Thời ấy sống trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng cuộc sống lại đầy ắp tình làng nghĩa xóm, thương yêu, đoàn kết. Ai cũng sẵn lòng giúp đỡ người khó khăn hơn mà không hề tính toán để cùng nhau vượt qua cái khó khăn chung của đất nước. Ngày nay đất nước đổi mới, nhà nào cũng ăn ngon mặc đẹp song ở Hà Nội vẫn còn có những gia đình giữ nếp xưa. Vào những ngày giáp Tết, con cháu quây quần quanh nồi bánh chưng rất ấm áp và hạnh phúc.
Bài: NSNA Tuyết Minh