(Nhiếp ảnh Hà Nội) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, vào chiến trường 2 năm, năm 1967 Hoàng Kim Đáng được quân lực điều động lên làm báo Trường Sơn. Anh là một trong bốn người đầu tiên làm tờ báo này. Nguyên trước đó, lúc còn ở miền Bắc, Hoàng Kim Đáng đã là cộng tác viên của báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Hậu Cần, Tạp chí Văn nghệ quân đội và được đánh giá là có trình độ, có triển vọng….
NSNA Hoàng Kim Đáng
Với nhiệm vụ phóng viên, Hoàng Kim Đáng được phát máy ảnh, xuống các đơn vị, ngang dọc khắp các cung đường Trường Sơn thời chiến tranh khốc liệt nhất và ngay từ những tấm ảnh do chính anh chụp, tự tráng sửa thủ công, in trên báo Trường Sơn hoặc gửi ra Hà Nội, đã được đánh giá cao, những tấm ảnh nóng bỏng tính thời sự nhưng vẫn mang chất nghệ thuật. Một số bức ảnh do Hoàng Kim Đáng chụp từ thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, nay trở thành ảnh tư liệu có giá trị lịch sử, được in trong cuốn sách “Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh” – (NXB Chính chị quốc gia).
Các chiến sĩ công binh Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh những năm đánh Mỹ
Mặt trời hoàng hôn
Bảo tồn khu phố cổ Hội An
Tháp chùa Thiên Mụ-Huế
Chiếc khăn Piêu của thiếu nữ dân tộc Dao quần chẹt
Thống nhất đất nước, Hoàng Kim Đáng ra Hà Nội làm báo và công tác, có dịp đi đến nhiều nơi trên toàn quốc, từ đây sức sáng tạo của anh càng có dịp bay bổng, cả lĩnh vực viết và chụp, đặc biệt là ảnh nghệ thuật, vừa phong phú về đề tài vừa đa dạng về thể loại. Sau này, một trong những lần triển lãm cá nhân của mình, Hoàng Kim Đáng chia ra nhiều chương mục khác nhau của từng mảng ảnh, chẳng hạn như: “Đất nước mình đâu cũng đẹp như tranh”; “Ký ức về một thời kháng chiến”; “Trên đình Trường Sơn”; “Đến với lính đảo Trường Sa”.v.v…. Ở đâu, Hoàng Kim Đáng cũng hướng ống kính mô tả cảnh và người bằng chính quan điểm của mình: “…phải “bưng” được những nét đẹp cuộc sống trong tác phẩm!”.
“Học thật” và… “Học giả”
Qua dòng chữ tựa đề của từng bức ảnh thấy rõ sức đi và sự cảm thụ nghệ thuật của Hoàng Kim Đáng: “Mùa xuân tây Bắc”; “Huyền thoại Hạ Long”; “Nhà thờ Phát Diệm”; “Tháp chùa Thiên Mụ”;…. Ông còn là tác giả bộ ảnh chân dung các chính khách, tướng lĩnh, các nhà văn hóa, … mà phía sau ảnh có lưu bút của nhân vật. Một trong những tấm ảnh đó là chân dung Nguyễn Tuân được in trong sách “Ảnh Việt Nam thế kỷ XX”. Nhà văn Nguyễn Tuân lúc sinh thời đã từng có những dòng lưu bút rất độc đáo theo kiểu Nguyễn Tuân rằng: “Nếu tôi còn trẻ tráng, sẽ xin vui lòng đi theo cầm ống ảnh của anh Hoàng Kim Đáng để chụp chân dung con người và phong cảnh đất nước mình. Anh Đáng “chụp” được lắm!”. Không chỉ đến với người nổi tiếng, ống kính của ông còn mô tả chị nông dân trong “Nụ cười trên nương”, “Con gái xứ Nghệ tuổi 17”; “Bà mế bán hàng”…
Hơn ba mươi năm cầm máy, Hoàng Kim Đáng để lại dấu ấn bằng những bức ảnh nghệ thuật được giải thưởng và được trưng bày tại hơn hai mươi cuộc triển lãm trong nước và quốc tế. Ông đã từng tổ chức tới bốn cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật cá nhân. Đó là năm 1982 ở Bình Định với tên gọi “Đất nước”. Năm 1985 là lần II ở Hội An mang tựa đề “Đất nước và Hội An đô thị cổ”. Lần III tại Hà Nội vào năm 1988 có tên “Thăng Long – Hà Nội” và lần thứ 4 là năm 2000: “Đất nước – qua ống kính nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng”. Đất nước, một tên gọi thân quen, bình dị mà bao la. Một đề tài muôn thuở, bao giờ cũng đau đáu một nỗi niềm suy tư, trăn trở với Hoàng Kim Đáng. Ông muốn truyền đến người xem cảm hứng mạnh mẽ và lòng yêu Tổ quốc, con người Việt Nam. Đúng như nghệ sĩ Mai Nam – nguyên Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội NSNAVN từng phát biểu: “Hoàng Kim Đáng đi vào nhiếp ảnh với những ý tưởng rất nhân bản, nhằm khám phá từ trong cuộc sống hiện thực những khía cạnh dung dị, nhưng giầu sức biểu cảm!”
Hoàng Kim Đáng đã được phong các tước hiệu: NSNA xuất sắc E.VAPA; nghệ sĩ ưu tú về những đóng góp E.S.VAPA; nghệ sĩ nhiếp ảnh danh dự Hon.VAPA. Ông là người có “vị trí” đối với giới nhiếp ảnh cả nước. “Lọt mắt xanh” tập thể các NSNA, từng được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành khóa 1983 – 1988, rồi Ủy viên Ban Thư ký kiêm Trưởng ban Sáng tác – Triển lãm, phong trào hội viên khóa 1989 – 1994.
Là một người có tay máy, tay bút song toàn, ở mặt nào Hoàng Kim Đáng cũng ghi được dấu ấn, với người xem và cả với người đọc. Tác giả của hàng trăm bài viết trên các báo, tạp chí. Là phóng viên báo Trường Sơn, phóng viên báo Văn nghệ, rồi Trưởng phòng Mỹ thuật – Tổng hợp báo văn nghệ (1975 – 1985); thư ký tòa soạn báo Người Hà Nội, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh (1989 – 1994). Được giới văn nghệ sĩ, các ngành “mê tín” nhờ thiết kế hàng trăm tờ gấp giới thiệu các cuộc triển làm, các sự kiện văn học nghệ thuật; trình bày, giám sát in ấn nhiều cuốn sách ảnh, được mời tham gia trong ban tuyển chọn cho cuốn sách “Ảnh Việt Nam thế kỷ XX”. Ông còn là nhà làm sách có tên tuổi: biên tập, viết và chủ biên. Đã từng biên tập 16 cuốn sách cho các nhà xuất bản Thế giới, Văn hóa, Quân đội nhân dân, Hà Nội… với những cuốn: Hội An đô thị cổ; Phố Hiến – lịch sử văn hóa; Sách ảnh Đà Nẵng… Biên tập và viết lời giới thiệu, trình bày 6 cuốn sách của nghệ sĩ Nguyễn Nhưng: “Bước đầu nghệ thuật nhiếp ảnh” (NXB Văn hóa), bộ sách này đã được giải thưởng công trình xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Chủ biên các cuốn: Sách ảnh “Thăng Long”; “Hà Nội quyết tử quyết sinh”; “Hồ Gươm” dày hơn 300 trang; “Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh” dày 372 trang in ba ngữ Việt, Anh, Pháp. Trực tiếp viết và xuất bản các cuốn “Lai Xá – làng nhiếp ảnh”; “Non nước Ninh Bình” viết, chụp và trình bày, in ba ngữ Anh, Việt, Pháp.
Hoàng Kim Đáng thường làm xen kẽ và song song hai, ba cuốn sách khác nhau. Đang làm cuốn này đã nảy ý tưởng cho cuốn khác. Khi cuốn “Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh” chuẩn bị phát hành thì cuốn “Hà Nội – Việt Nam trong tôi” cũng xong bản thảo. Vừa đặt bút chấm hết cho cuốn sách ngót nghét 200 trang “Nhiếp ảnh Nghệ thuật Việt Nam – hiện thực và sáng tạo” và cùng lúc đang làm vài cuốn sách khác phục vụ chủ đề kỷ niệm thủ đô Hà Nội 1000 năm tuổi, với quyết tâm ra mắt độc giả trước ngày đại lễ 1000 năm Thăng Long…
Hoàng Kim Đáng đã được tặng thưởng Huân chương chiến sỹ vẻ vang, Huân chương giải phóng hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
Bài: NSNA Nguyễn Ngọc Phan