Hàng trăm ngôi nhà sàn lợp bằng đá tự nhiên cùng lối quy hoạch ngăn nắp dọc hai bên sông Đà là điểm nhấn với du khách khi tới thị xã Mường Lay.
Thị xã Mường Lay cách TP Điện Biên Phủ hơn 100 km, nằm dọc hai bên sông Đà, một phần địa phận là ngã ba giao cắt của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Thị xã nổi bật bởi những dãy phố nhà sàn mái đá tựa lưng vào núi, nằm san sát nhau.
Nơi đây là địa bàn sinh sống của 9 cộng đồng dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm 70% dân số, chủ yếu là người Thái trắng.
Người Thái ở đây vẫn lưu giữ những di sản văn hóa, nghi thức truyền thống độc đáo của người Thái trắng như lễ hội đua thuyền, lễ Kin Pang Then, xòe Thái cổ…, đặc biệt là nếp nhà sàn lợp bằng đá tự nhiên cùng lối quy hoạch ngăn nắp, thông thoáng dọc hai bên sông. Thông thường nhà sàn ở các địa phương khác của Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Lai Châu… chỉ lợp bằng cỏ tranh, ngói, tấm pro xi măng…
Trước đó cuối tháng 4/2010, những hộ dân cuối cùng trong số hơn 4.000 hộ dân của thị xã có nhà dưới mức nước 195 m phải di dân lên vị trí cao hơn để dẫn dòng, đóng đập tích nước thủy điện Sơn La.
Với người Thái, sở hữu căn nhà sàn truyền thống lợp mái đá là niềm tự hào. Mỗi căn nhà thường sử dụng hơn 4.000 viên đá đen, nâu, ngũ sắc.
Đá được khai thác tự nhiên từ lòng hồ sông Đà, khi mới đào ở vỉa ra đá ẩm nên mềm, dễ chẻ thành mảnh mỏng, chỉnh sửa cắt gọt tùy hình dáng. Sau thời gian phơi nắng mưa, đá cứng dần.https://f15cef438d9b68532dbfe350d9ceb552.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html
Những viên ngói đá phải hình vuông, mỗi cạnh 20-30 cm. Hai đỉnh viên đá phải cắt hình tam giác cân để ghép ăn khớp với nhau. Khi phần cắt không phải là tam giác cân thì lúc lợp, một viên sẽ lệch, nghiêng và kéo theo cả hàng ngói sẽ nghiêng.
Tại phường Na Lay, thị xã Mường Lay, bà Tòng Thị Quê, 62 tuổi, là một trong số hộ có nhà sàn to và đẹp nhất với diện tích xây dựng gần 300 m2.
“Nhà tôi 5 gian, 4 cột chính, trước khi dựng nhà phải chuẩn bị vật liệu từ vài năm, dựng thì chỉ vài tháng. Phần mái sử dụng hơn 4.000 mảnh đá đen. Đá đen được người dân khai thác ở những dãy núi dọc sông Đà. Mái đá rất bền, gần như không bao giờ phải thay lại. Thường thì gỗ hỏng trước cả đá”, bà Quê chia sẻ.
Mái đá xếp chồng lên nhau như hình vảy cá bắt nguồn từ phương thức sinh hoạt gắn với môi trường sông nước của người Thái như câu ngạn ngữ: “Xá ăn theo lửa, Thái ăn theo nước, H’mông ăn theo sương mù”.
Sau hàng chục năm sử dụng, màu đá không bị phai, không thấm nước, có khả năng chịu lạnh, chịu nhiệt tốt và không bị ăn mòn bởi tác động của môi trường.https://f15cef438d9b68532dbfe350d9ceb552.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html
Đá dùng để lợp mái nhà sàn có nhiều màu sắc đen, nâu, vàng, ngũ sắc… trong đó loại đá màu đen cứng hơn cả.
Nhà sàn truyền thống của người Thái trước kia tầng một để nuôi trâu bò, gà, nhưng nay tất cả đã được di chuyển ra ngoài. Phần không gian này để máy tuốt lúa, phơi nông sản… và được giữ sạch sẽ thông thoáng.
Để nâng đỡ được mái đá nặng cả tấn, phần khung nhà luôn được ưu tiên làm bằng hàng chục cây gỗ to. Hệ thống xà, kèo, cột, giằng, bệ đỡ… tạo mối gắn kết, vững chãi.https://f15cef438d9b68532dbfe350d9ceb552.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html
Toàn bộ hoạt động từ ăn nghỉ, nấu nướng, thêu dệt diễn ra tại tầng hai cũng là phần chính của ngôi nhà. Tùy điều kiện của gia đình mà tầng này được chia là 3 gian hay 5 gian. Phần tường làm bằng các tấm gỗ xếp, bên ngoài là lan can hoa văn tối giản.
Những con đường quanh phố nhà sàn được quy hoạch trải nhựa, có vỉa hè, trồng cây tán rộng lấy bóng mát. Khí hậu Điện Biên mùa đông không lạnh, hè không quá nóng, tháng 4-5 gió Lào, không bị nồm ẩm nên những ngôi nhà sàn luôn thông thoáng, tuổi thọ cao.