Sau giờ nghỉ trưa, đại úy Giàng Mí Vàng cùng chiến sĩ Tẩn Trung Hiếu xỏ ủng, ngược đường biên đi kiểm tra mốc giới, khi nhiệt độ khoảng 5 độ C.
Rét hại kèm mưa, sương mù dài ngày khiến 2 km đường từ chốt 320 ở thôn Ma Sào Phố, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, lên mốc giới trơn trượt. Đại úy Vàng và chiến sĩ Hiếu phải đi bộ, không thể đi xe máy như ngày nắng.
Hai anh thuộc Đồn biên phòng Nghĩa Thuận. Đơn vị này đang quản lý 21 km đường biên với 33 mốc giới từ 313 đến 339, thuộc hai xã Nghĩa Thuận và Bát Đại Sơn. Địa hình núi cao, vực sâu, rừng già. Bên kia biên giới là hương Bát Bố thuộc huyện Ma Ly Pho (Vân Nam, Trung Quốc).
Chốt 320 được thành lập theo quyết định của Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang để quản lý bảo vệ biên giới, nắm địa bàn dân cư và ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép. Chốt nằm gần đường mòn lâu đời mà cư dân hai bên hay qua lại.
“Đất của mình mà không lên xem một ngày thì không thấy yên tâm”, đại úy Vàng, một người Mông 45 năm lớn lên ở Quản Bạ, nói. Nếu gặp người dân, anh nhắc nhở họ không đến gần hàng rào biên giới.
Tổ cắm chốt có ba quân nhân, cố định tại đây trong một thời gian theo sự phân công của Đồn. Hai người đi kiểm tra đường biên thì người còn lại trực chốt. Không thấy bất thường, anh Vàng huýt sáo gọi chú chó theo chân về chốt. Dọc đường về, đôi lúc anh cắt ngang con suối hái rau dớn để làm nộm hoặc lấy thêm củi đun nước tắm mùa đông.
Đại úy Lưu Xuân Bảy, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Nghĩa Thuận, cho biết tùy tình hình thực tế khoảng 3 tháng sẽ thay quân một lần. Đơn vị luân chuyển sớm hơn khi quân nhân trực chốt có việc hệ trọng trong nhà. Đồn đảm bảo nhu yếu phẩm và động viên thường xuyên cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ.
Đại úy Lê Xuân Lương ghi lại nhật ký công tác hàng ngày sau khi tổ kiểm tra đường biên về. Nhiều ngày liên tiếp, tổ trực chốt không ghi nhận bất thường khu vực mốc giới được giao quản lý.
Tận dụng khoảnh đất trước lán làm vườn rau tăng gia, anh Vàng trồng một luống cải xen canh rau mùi, một luống su hào, hai cây ớt, một giàn mồng tơi và lá mơ để rán trứng.
Chiến sĩ Tẩn Trung Hiếu vo gạo nấu cơm. 19 tuổi, Hiếu học xong THPT rồi vào bộ đội và sẽ xuất ngũ vào tháng 2/2025. Anh được phân công vào chốt đầu tháng 1.
“Bình nóng lạnh chạy bằng củi đun”, cách mà Hiếu gọi nồi nước sôi để pha tắm. Cao 719 m so với mực nước biển, những ngày rét hại, nhiệt độ ban ngày ở chốt 320 chỉ 1-2 độ C, càng về chiều muộn giảm càng sâu. Sức trai tráng cũng không đọ nổi cái lạnh, phải đun nước tắm hàng ngày. Khi trời nắng, họ sẽ tranh thủ tắm vào buổi trưa.
Hiếu cao trên 1,8 m, lắc đầu bảo chưa từng có bạn gái. Tuổi đôi mươi của anh là những ngày canh đường biên giới, trực chốt.
Năm nay cũng là lần đầu Hiếu ăn Tết xa nhà. Hai chị gái đã lấy chồng, chỉ còn bố mẹ đón năm mới ở quê. Để riêng một khoản tiêu lặt vặt, Hiếu dành dụm hai tháng phụ cấp được 3 triệu đồng gửi về cho mẹ sắm Tết.
Chốt chỉ có 3 người đàn ông cùng hai chú chó bầu bạn. Hiếu hay gọi Vàng hoặc Đen theo màu lông, bước khỏi chốt là chúng theo chân. Sống ở nơi bốn bề cỏ cây, núi đá, thi thoảng Hiếu mang ghế ra hiên ngồi ngóng đàn khỉ từ trên núi xuống kiếm ăn, “nghe chúng chí chóe cũng vui tai”.
Mâm cơm chiều đông trong cái lạnh buốt của ba người đàn ông có trứng rán lá mơ, thịt rang cháy cạnh, rau dớn xào, canh cải mèo và đĩa bánh chưng. Câu chuyện trước giờ đi ngủ của họ chủ yếu về gia đình, vài chuyện phiếm hoặc gọi điện cho vợ con rồi đi ngủ.
Chốt đơn sơ nhưng đầy đủ đồ dùng cơ bản như bàn ghế, giường, bếp nấu ăn, khu tắm giặt. Anh Vàng nói sau 23 Âm lịch, mọi người sẽ trang trí Tết. Năm nay, anh có thể đón Tết tại chốt trực dù chỉ cách nhà 15 km. 25 năm vào bộ đội, đại úy người Mông đón giao thừa ở đơn vị nhiều hơn ở nhà, vợ con cũng quen với điều đó.
Đêm xuống, nhiệt độ giảm sâu, ánh điện từ chốt là nguồn sáng duy nhất tỏa ra một vùng biên. Hôm nay, toàn miền Bắc vẫn còn rét hại, đến 29/1 chuyển rét đậm, nhiệt độ trung bình ngày từ 15 trở xuống đến 13 độ C.