(Nhiếp ảnh Hà Nội) Người sáng tác trước hết lấy phê bình để tự nâng cao tay nghề.
Theo tôi, chúng ta quen dùng cả cụm từ lý luận phê bình khiến cho nhiều người thấy lớn quá, phải có lý luận uyên thâm hiểu về nhiếp ảnh, phải biết viết, biết tổng kết thành bài hay một chuyên đề.
Nhưng thực tế cho thấy, việc phê bình góp ý người chơi ảnh nào cũng thường xuyên làm, có thể tự mình phân tích bức ảnh của mình hoặc người khác chụp, có thể là một nhóm, một câu lạc bộ, cách phê bình góp ý này cũng đơn giản ở ngay quán nước trà, một cuộc sinh hoạt nhưng lại rất hữu ích.
Ví dụ:Một tấm ảnh lấy khuôn hình khá rộng chỉ cần động tác cắt bỏ những chi tiết thừa sẽ đem lại bức ảnh đẹp có chủ đề nội dung cần phản ánh, có đường dẫn…
Hoặc, chụp được tấm ảnh phong cảnh ở nơi khá đẹp nhưng lại chưa ưng về ánh sáng, nên tính toán thời điểm chụp cho đẹp hơn. Như, nếu chụp phong cảnh có nhiều lớp lang rõ nét thì phải vào thời điểm ánh sáng đẹp, không bị mù sương, vậy là phải đi chụp vào buổi sáng mà đêm trước có trận mưa rào, cả bầu trời trong sáng, cây cỏ hoa lá xanh tươi.
Với những địa điểm xa, không thể lựa chọn được thời gian thì phải tìm góc độ có ánh sáng đẹp, có tiền cảnh, hậu cảnh, phân tầng lớp của không gian ba chiều.
Vậy là tự phê bình và phê bình một tấm ảnh, một tác phẩm là việc các tay máy thường làm, chỉ cần tự mình lắng nghe, tự mình rút kinh nghiệm.
Những người chơi ảnh qua học ở trường lớp hay truyền nghề đều có tư duy và hiểu biết về máy ảnh, ánh sáng trong chụp ảnh, bố cục một tấm ảnh.. Tuy nhiên, sự vận dụng các kiến thức trên trong từng trường hợp khác nhau, và không biết biến kiến thức ấy trở thành lý luận để phê bình mà chỉ khi đọc những bài viết mới hiểu rõ hơn, vậy là ta đã từng có lý luận phê bình.
Góp ý phê bình cũng cần tế nhị.
Cái sự phê bình theo cách “văn minh, vợ người” là thiếu tế nhị, bởi nếu cho rằng ảnh của mình đẹp hơn ảnh người khác mà chẳng chỉ ra đẹp hơn ở cái gì, khiến người được phê bình tự ái.
Tôi đã chứng kiến có em là học sinh hay người mới chơi ảnh than rằng: “không biết nghe “Thày” nghệ sĩ nào là đúng” bởi ông này chê ông kia ảnh chưa đẹp, là bắt chước… mà dó lại là những nghệ sĩ nhiếp ảnh có tên tuổi với nhau, thành ra chẳng biết học thày nào cho tốt.
Cũng như có nghệ sĩ đã phê tôi “ảnh của anh chụp Hà Nội từ trên cao đâu phải là ảnh nghệ thuật, mà đó chỉ là ảnh kiến trúc đô thị”. Tôi tự nghĩ, thế những bức ảnh chụp từ đỉnh núi xuống ruộng bậc thang thì chỉ đích danh là ảnh gì nhỉ, phong cảnh, hay nghệ thuật, hay loại hình gì ?
Chính vì cái sự nhầm lẫn này khiến cho những bài viết về lý luận phê bình trong tạp chí chuyên ngành gây ra các cuộc tranh luận, có khi không có hồi kết bởi chúng ta chưa có “trọng tài” để phân định đúng sai.
Như vậy rõ ràng lý luận phê bình có tác dụng giúp người sáng tác nâng cao tay nghề cho chất lượng dần cao hơn, nên mọi người mới tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, nhóm ảnh.. Tuy nhiên có nhiều người lãng quên việc đến xem các cuộc triển lãm ảnh (theo chuyên đề hoặc đề tài tự do) bởi có thể mình không tham gia dự thi, hay dự thi không có ảnh được chọn hoặc do bận mải vệc khác. Xem triển lãm ảnh, xem sách ảnh giúp mình tự rút ra được những điều bổ ích vì phát hiện ra điều thú vị: Cùng đi chụp, chụp cùng một sự kiện mà ảnh người khác được chọn, thậm chí đạt giải mà mình thì không; hoặc chính mình không phân tích để hiểu rõ nội dung cần đề cập của cuộc thi để sáng tác, để chọn trong kho ảnh đã có của mình để tham dự.
Vậy là trong tư duy của người sáng tác đã hội đủ lý luận phê bình khi giơ máy lên chụp một tấm ảnh chứ đâu phải chỉ biết bấm máy theo kiểu ghi chép của người không chuyên. Bởi với công nghệ hiện nay chiếc máy ảnh để ghi nhận một tấm ảnh rõ thì cậu bé 5 tuổi đã có thể làm được khi được hướng dẫn một vài lần.
Một vài điều kiến nghị.
Thứ nhất: Với người sáng tác luôn phải có tư duy về lý luận phê bình mỗi khi cầm máy ghi nhận một hình ảnh. Nếu không tư duy tốt thì “học phí” sẽ cao đó là việc cứ chụp, cứ phóng ảnh, cứ gửi dự thi mà không đạt hiệu quả.
Thứ hai: Các nhà tổ chức cuộc thi, đặc biệt là các nghệ sĩ là giám khảo chấm ảnh phải luôn là người có tầm lý luận phê bình, có tâm trong sáng khi chọn và phân định giải, nếu chỉ cần không trong sáng thì số đông người khác sẽ phát hiện ra nên đã xuất hiện nhiều dị nghị qua các cuộc thi.
Thứ ba: Các nhà lãnh đạo của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và các cấp cần nâng cao hơn nữa diễn đàn lý luận phê bình, phê bình chân thực giúp người sáng tác nâng cao tay nghề.
Tác giả bài viết: Duy Tường