NSNA Văn Sắc và hình ảnh những con đường hiên ngang trong lửa đạn

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Năm 1968, tôi từ đại học Tổng hợp Hà Nội về nhận công tác tại Thông tấn xã Việt Nam. Đúng vào dịp ấy, tại đây, một bức ảnh của phóng viên ảnh Văn Sắc đang được các đồng nghiệp của ông bình luận sôi nổi và được các báo giới thiệu rộng rãi. Đó là bức ảnh “Tiểu đội 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc”.

nhiep-anh-ha-noi-anh-nghe-thuat-nsna-van-sac-voi-anh-nghe-thuat-chien-tranh-01

NSNA Văn Sắc

Bức ảnh lịch sử đó, Văn Sắc đã chụp vào một ngày tháng 7, trời Can Lộc nắng như đổ lửa. Hồi này, giặc Mỹ đang đánh phá tuyến đường Quốc lộ 1A rất dữ dội, nhằm cắt đứt toàn bộ tuyến đường này. Còn nhớ, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1968 của quân và dân toàn miền Nam đã làm choáng váng Bộ Chỉ huy đầu não cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ở Washington, buộc Nixơn phải tuyên bố “xuống thang”. Có nghĩa là, chúng chỉ tập trung bom đạn đánh phá vùng “cán xoong” (từ Nghệ Tĩnh trở vào) như đã nói – hòng cắt đứt con đường huyết mạch của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn.

Ngã ba Đồng Lộc có vị trí rất quan trọng trong mạng lưới giao thông chiến lược từ Bắc vào Nam qua địa bàn Hà Tĩnh. Đây là giao điểm của đường 15 và các đường liên tỉnh. Từ đây có thể mở rộng ra các hướng phục vụ tốt nhu cầu giao thông vận tải khi các tuyến đường ở đồng bằng bị cắt đứt.

Tiểu đội 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc chính là tiểu đội 4, Đại đội 552 thuộc Tổng đội 55 Thanh niên xung phong Hà Tĩnh, có con số biên chế đủ là 16 người. Hôm nhà báo Văn Sắc chụp ảnh có 12 người ra mặt đường san lấp hố bom – ngày các chị hy sinh (24-7-1968) có 10 người ra trận địa. Trong 3 ngày ở ngã ba Đồng Lộc, Văn Sắc đã đi thị sát tình hình, quan sát khung cảnh các chị kéo xe bò, xe cải tiến, hót đất…

Ông cho biết: “Tôi phải tìm hiểu công việc của họ để có chút mường tượng về bức ảnh mình sẽ chụp, nhằm có thể tái hiện chân thực cái hồn, cái không khí làm việc của các cô Thanh niên xung phong tuổi mới đôi mươi nơi tuyến đường ác liệt nhất cả nước”. Sau khi xem xét thực tế, người phóng viên từng nhiều năm gắn bó với ngành giao thông vận tải phải tìm thời gian nào địch ít đánh phá nhất để chụp. Văn Sắc kể tiếp: “Đó là khoảng 5 giờ chiều. Để có được hình ảnh các cô đầy đủ, tôi để nghị các cô nên tập trung làm việc gần hố bom.

nhiep-anh-ha-noi-anh-nghe-thuat-nsna-van-sac-voi-anh-nghe-thuat-chien-tranh-02

Tiểu đội 10 cô gái TNXP ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Văn Sắc

Sống gần các cô, tôi thấy họ rất lạc quan, vừa làm vừa hát rất say mê, hồn nhiên. Tôi chụp một kiểu trước, đó là bức các cô đang chở đất. Thấy đẹp, tôi chụp một bức khác khi các cô đang đào hố bom – chính là bức ảnh Tiểu đội 10 cô gái TNXP ngã ba Đồng Lộc. Lúc bấy giờ tôi không nghĩ bức ảnh mình chụp có tới 3 bóng, dưới hố bom là nước, rồi mặt trời rọi vào lưng họ in bóng lên mặt đất, lúc in ảnh, tôi thực sự bất ngờ.

Chưa bao giờ tôi chụp được bức ảnh nào đặc biệt như thế, bình thường ảnh chỉ có hai bóng mà thôi. Nếu là các máy thông thường, có lẽ tôi không thể chụp được bức ảnh ấy. May sao, hôm đó tôi dùng máy vuông Rolleiflex 6 x 6 mới chụp hết được miệng hố bom. Chụp xong, các cô vẫn làm việc…”.

Nhân viết về tấm ảnh “bất ngờ” này, nhà báo Trần Ấm – cũng là người của TTXVN cho rằng, “bằng hình ảnh cụ thể, nghệ sỹ Văn Sắc đã nhân sức mạnh của 12 cô gái lên gấp ba lần, đúng với khẩu hiệu “Một người làm việc bằng ba – để thông xe ra tiền tuyến”.

Sau ngót 46 năm, kể về các nữ liệt sỹ anh hùng ấy, gương mặt nhà nhiếp ảnh lão thành Văn Sắc vẫn còn nguyên vẻ xúc động và mến phục. Tôi bồi hồi nghe ông kể:

– “Đêm ấy, trên đường đi làm, nói chuyện với chị Tần – tiểu đội trưởng, tôi hỏi:
– Làm việc nơi đây có sợ không?
– Sợ chứ. Bất cứ ai đi qua nơi “cửa tử” này cũng phải chạy, không dám đi thong thả. Địch có thể đến bất cứ lúc nào.
– Sợ sao lại làm?

Tần hồn nhiên đáp:
– Thực ra địch đánh ở đây không phải lúc nào bom bỏ cũng trúng.
– Nếu trúng thì sao?
– Nếu trúng thì chưa chắc đã chết, có thể bị thương.

Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Văn Sắc nói:

“Câu chuyện ngắn ngủi ấy làm tôi nhớ mãi. Họ vẫn còn quá trẻ, họ quả cảm đến mức giản đơn, chân thật. Tôi biết đây cũng là nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên, tất cả họ đều hết mình vì Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh cả xương máu, không nghĩ đến riêng mình”.

Và từ ký ức của 45, 50 năm trước tràn về, ông nói đến những con đường mà ông đã đi qua, đã gắn bó trong lửa đạn, từ Lạng Sơn đến Hải Phòng, từ khu 4 đến Trường Sơn. Những nơi đó, tận bây giờ, vẫn hiển hiện bao gương mặt của các đội viên Thanh niên xung phong, nam cũng như nữ – thật tươi trẻ, hồn nhiên, nhiều người dáng vóc nhỏ nhắn mà làm việc hết sức chịu khó, tích cực và hăng hái. Nhà nhiếp ảnh Văn Sắc xúc động nói với tôi: “Bức ảnh những cô gái Đồng Lộc là kỷ vật quí giá nhất mà tôi có được trong suốt thời kỳ là phóng viên ảnh trên chiến trường”.

nhiep-anh-ha-noi-anh-nghe-thuat-nsna-van-sac-voi-anh-nghe-thuat-chien-tranh-03

Đường ra tiền tuyến. Ảnh: Văn Sắc

Bức ảnh ấy, kỷ vật ấy cũng là một mốc quan trọng trên con đường hoạt động nhiếp ảnh của ông. Các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tiền Phong, Hà Nội mới, Giao thông vận tải… đã lần lượt cho in và giới thiệu với những dòng trân trọng nhất. Ngay trong năm 1968, bức ảnh đoạt giải cuộc thi của Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ; và năm 2007, cùng với tác phẩm Đường ra tiền tuyến, ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật.

Đã có bao tác phẩm văn thơ, điện ảnh, hội họa ngợi ca các cô gái anh hùng Đồng Lộc. Về thể loại nhiếp ảnh, Văn Sắc đã dành cho các chị một tượng đài bất tử. Với tấm lòng của người nghệ sỹ, ông đã nhờ các nghệ nhân gốm sứ ở Bát Tràng hoàn thành bức ảnh bằng chất liệu men kính (với độ dài 1m2, độ cao 1 m, gồm 6 tấm ghép lại) và trao tặng Ban quản lý Di tích Ngã ba Đồng Lộc. Bên khu mộ của các cô gái anh hùng, ngoài những bức tượng đài, còn có cây bồ kết đã ra hoa kết trái để ngày ngày các chị gội đầu chải tóc cho thơm. Và nữa, cây phong lan mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi vào để tưởng nhớ các chị sẽ mãi mãi tỏa hương…

Văn Sắc – với ngót 20 năm lăn lộn trên các tuyến đường đầy lửa đạn, đầy gian khổ, ác liệt của mặt trận giao thông vận tải – là tác giả của hàng loạt bức giá trị khác, có bức được đặt tít rất nên thơ như Mở đường trong mây, Trường Sơn xe anh qua, có bức được gọi đúng như trong thực tế: Lớp học ở Trường Sơn, Đội cầu Ba đảm đang, Cô gái lái máy xúc EKG, Lê Thị Ngưng, Đường ra tiền tuyến, Ngã ba Đồng Lộc…

Đó là kết quả của những ngày đêm ông cùng sống và lao động với các đơn vị anh hùng như: Đội xe 806, các đơn vị Thanh niên xung phong 25,39 Quảng Bình, đội cầu 10 thuộc Ban 67, đội cầu 609 Thanh Hóa… Qua ảnh ông chụp, người xem nhận ra những chiếc xe tải chở đầy hàng đang men theo miệng hố bom đầy nước, và phía sau, cả đoàn xe nối dài hút sâu giữa hai dãy đồi chi chít hàng ngàn hố bom nham nhở, lở loét; các chiến sỹ Thanh niên xung phong dũng cảm mở đường trên điểm cao S (đường 16).

Tác phẩm Đường ra tiền tuyến là hình ảnh một khu rừng bị bom Mỹ phá trụi, chỉ còn lại những thân cây cháy sém, đổ gục; trên một con đường lượn quanh sườn núi chạy giữa rừng già bị bom Mỹ cày xới, một đoàn xe từ xa đang băng lên phía trước. Ở bức ảnh này, nhà nhiếp ảnh như muốn nói về sự tương phản giữa sự sống và cái chết, rằng trái tim của những chiến sỹ giao thông vận tải có thể ngừng đập, vẫn quyết tâm không để mạch máu của Tổ quốc ngừng chảy.

Về tác phẩm Mở đường trong mây đã có người bình luận: “Văn Sắc chọn một dãy núi lam nhạt nắng chiều và những cụm mây như dải lụa làm bối cảnh cho tấm ảnh. Từ một thân cây trụi cũng vì bom Mỹ làm điểm tựa, tác giả dẫn người xem đi vào nội dung tấm ảnh và nổi bật hơn cả vẫn là 3 cô gái đang xúc đất san nền đường trong mây giữa một trọng điểm trên đỉnh Trường Sơn”.

Để có được những thành quả ấy, Văn Sắc nhận thức sâu sắc trách nhiệm cao quí của một nhà báo, và điều đáng nói hơn là, ông thực sự yêu, yêu đến say mê những con người tiên tiến, anh hùng, những đơn vị tiêu biểu trong chiến đấu, trên mọi nẻo đường ông qua. Ông tâm sự: “Là một phóng viên báo chí, thật ra, tôi không nghĩ nhiều đến nghệ thuật, nhưng bao giờ cũng có ý thức bám chắc vào ý đồ của lãnh đạo để đưa ra được những thành phẩm thích đáng.

nhiep-anh-ha-noi-anh-nghe-thuat-nsna-van-sac-voi-anh-nghe-thuat-chien-tranh-04

Trường Sơn xe anh qua. Ảnh: Văn Sắc

Khi địch đánh đường bộ, đánh cầu hoặc đánh ô tô của ta; người phóng viên phải phát hiện những điển hình của thời điểm đó để biểu dương, tuyên truyền. Cái khó nhất là tìm cho được chủ đề và thể hiện chủ đề theo một dung lượng có hiệu quả nhất”.

Văn Sắc, từ đáy lòng, muốn ca ngợi chiến công của các chiến sỹ trên mặt trận đặc trưng này – những người mà “địch đánh, ta cứ đi!”, những người mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tính đến năm 1974 đã làm mới 2.195 km đường chiến lược và các loại đường khác; bảo đảm giao thông hơn 3.000 km của 53 con đường của Trung ương và địa phương quản lý; giữ vững giao thông liên lạc liên tục trên 2.528 trọng điểm địch đánh phá ác liệt; tham gia xây dựng sáu sân bay, rà phá hàng ngàn bom từ trường, bom nổ chậm…

Văn Sắc thực sự là một nghệ sỹ vô cùng kính yêu, trân trọng những con người viết lên bản trường ca hào hùng này, và ông đã sống như họ, không sợ hy sinh gian khổ, bao lần vượt qua cái chết rình rập trong những trận bom chợt đến, trên những nhịp cầu chênh vênh, hiểm hóc, những đường cua đầy bom nổ chậm và mìn “tai hồng” trên đỉnh Trường Sơn…

nhiep-anh-ha-noi-anh-nghe-thuat-nsna-van-sac-voi-anh-nghe-thuat-chien-tranh-05

Mở đường trong mây. Ảnh: Văn Sắc

Ông đã xông xáo như thế trong những chuyến công tác dài ngày, bặt tin tức, làm cho cơ quan và gia đình thắc thỏm, lo âu. Nhưng, rồi ông đã về, với những cuộn phim còn khét mùi bom đạn. Và lúc ấy, các báo ùa đến, reo lên: “Ông Sắc đã về!”. Họ đang chờ đợi để công bố những hình ảnh mới về các chiến sỹ giao thông vận tải. Chính đó là hạnh phúc, là niềm vui không sao tả xiết của người phóng viên cách mạng sau những ngày đêm nằm “phục” hàng tháng trời ở các vùng “tọa độ chết”, lần theo gót chân người chiến sỹ trinh sát trên cây số 32 đường Trường Sơn. Xem ảnh của Văn Sắc, một cụ già đã viết thư ca ngợi nhiệt tình và tài năng của ông. Cụ viết: “Các cô gái ở ngã ba Đồng Lộc là anh hùng thì nhà nhiếp ảnh Văn Sắc cũng đáng được thưởng huân chương”.

Văn Sắc không mấy khi nghĩ đến huân chương, đến giải thưởng, đến những đãi ngộ, nhưng lòng ông thanh thản vì được góp phần xứng đáng nhất vào sự nghiệp mà ông theo đuổi từ thuở thiếu thời – trong vùng địch chiếm đóng, làm cán bộ tiếp quản thủ đô Hà Nội khi tuổi tròn 20, trở thành một chiến sỹ công an nhân dân, rồi liên tục 35 năm làm một phóng viên mũi nhọn của Thông tấn xã Việt Nam. Sự thanh thản ấy phải chăng là một trong những yếu tố giúp ông ở tuổi 80 vẫn mạnh khỏe, minh mẫn, dẻo dai…

Bài: Trần Đương

Tin liên quan