Vượt nghìn km ra Hà Nội hỗ trợ vận chuyển F0 đi cấp cứu

Trưa 13/2, nhận cuộc gọi cần hỗ trợ từ một gia đình ở phường Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội), 30 phút sau xe cấp cứu của đội thiện nguyện Nhất Tâm đã có mặt.

Cụ bà 90 tuổi, mắc Covid-19, có biểu hiện trở nặng cần được trợ giúp đưa tới bệnh viện. Con trai cụ cho hay đã liên lạc với cấp cứu 115 nhưng dường như quá tải nên tìm kiếm sự hỗ trợ của đội thiện nguyện Nhất Tâm.

Thấy người lạ, cụ bà có chút đề phòng. Nhưng sau khi nghe giải thích, cụ đồng ý để nhóm thiện nguyện làm việc. Một thành viên trong nhóm ngồi bên cạnh hướng dẫn bà cụ hợp tác, người còn lại bế cụ đưa ra xe cứu thương, không quên đắp thêm cho cụ cái chăn chống lạnh.

Cụ bà ở Hà Đông được nhóm hỗ trợ đưa ra xe cứu thương. Ảnh: Phạm Chiểu
Cụ bà ở Hà Đông được nhóm hỗ trợ đưa ra xe cứu thương. Ảnh: Phạm Chiểu

Chiều cùng ngày, một chiếc xe khác của nhóm nhận hỗ trợ bệnh nhân ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Trước khi vào nhà, tình nguyện viên mặc áo bảo hộ, xịt khử khuẩn.

Bệnh nhân là ông Hùng, 56 tuổi, bị lây Covid-19 từ vợ, có bệnh nền ung thư vòm họng, bắt đầu trở nặng từ hai ngày nay. Thời điểm xe cấp cứu tới, ông Hùng có dấu hiệu khó thở, chỉ số SpO2 giảm chỉ còn 60%.

Tình nguyện viên tên Tiến yêu cầu bệnh nhân nằm nghiêng, sau đó vỗ rung lồng ngực giúp đờm dễ thoát ra. Anh sau đó chạy ra xe cứu thương lấy bình oxy cho bệnh nhân thở. Nhờ được trợ giúp kịp thời, chỉ số SpO2 của bệnh nhân tốt dần. “May mà đến kịp”, Tiến thở phào nói.

Chờ khoảng một tiếng, khi bệnh nhân dần ổn định sức khỏe, anh Tiến mới quyết định chuyển bệnh nhân lên xe cấp cứu. Người nhà muốn tới bệnh viện gần nhất, song đều quá tải, nhóm quyết định đưa bệnh nhân tới Bệnh viện Thanh Oai.

Tiến hỗ trợ bệnh nhân khi có dấu hiệu trở nặng. Ảnh: Phạm Chiểu
Tiến hỗ trợ bệnh nhân khi thấy có dấu hiệu trở nặng. Ảnh: Phạm Chiểu

Đội thiện nguyện Nhất Tâm gồm 20 thành viên từ TP HCM ra Hà Nội vào đầu tháng 1, chuyên chở F0 là người già, người có bệnh nền, người nghèo đi cách ly, cấp cứu. Trưởng nhóm Trần Thanh Long cho biết, trước khi ra, nhóm chủ động liên hệ với Trung tâm Y tế quận Đống Đa và đang hỗ trợ chính cho quận này, cùng với quận Hoàng Mai và Thanh Xuân.

Lúc cao điểm dịch trong TP HCM, nhóm có 20 xe cấp cứu, song khi dịch ổn định nhóm buộc phải bán một số xe để lấy kinh phí duy trì hoạt động. Hiện nhóm có 12 xe, trong đó 6 xe được đưa ra ngoài Hà Nội. Trung bình mỗi ngày, nhóm nhận được khoảng 50 cuộc gọi hỗ trợ, ngày cao điểm lên tới 100.

“Buổi sáng thường vắng, nhưng từ trưa và chiều tối, nhóm liên tục nhận lệnh lên đường. Với trách nhiệm cao nhất, chúng tôi không từ chối cuộc gọi hỗ trợ nào. 6 xe cứu thương hoạt động bất kể ngày đêm”, anh Nguyễn Xuân Thăng, điều phối công tác vận chuyển cấp cứu và cung cấp oxy của nhóm, cho biết.

Để tiết kiệm chi phí, nhóm ở nhờ nhà một người dân tại quận Đống Đa, tự nấu ăn và không kêu gọi hỗ trợ. Nhóm cũng chủ động trang bị đầy đủ bình oxy, quần áo bảo hộ, túi thuốc A, B cho F0. Các thành viên của nhóm đều từng tham gia hỗ trợ Covid-19 tại TP HCM nên rất thành thạo trong cấp cứu F0 ngoại viện.

Nói về nhóm thiện nguyện, ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Đống Đa, đánh giá thời gian qua nhóm hỗ trợ rất nhiều cho quận trong vận chuyển F0 tới khu thu dung và khi phải chuyển tầng. “Những đóng góp của nhóm là hết sức quý báu trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng”, ông Tuấn nói.

Ngoài việc hỗ trợ cấp cứu F0 nặng, nhóm dự kiến mở thêm quán ăn 0 đồng ở Hà Nội. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ Hà Nội cho đến khi dịch ổn định”, anh Nguyễn Xuân Thăng cho biết.

Hiện Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận số F0 cao nhất cả nước, trung bình mỗi ngày 2.800-3.000 ca, gây áp lực cho hệ thống y tế cơ sở.

Tin liên quan