NSNA Hữu Nền: Gửi tấm lòng trong từng bức ảnh

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Men theo những bậc cầu thang gỗ dẫn lên tầng 3 của ngôi nhà cổ nằm khuất sau con phố Đặng Thái Thân, tôi tìm tới căn nhà nhỏ của nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Nền. Bên “gia tài” là những tác phẩm, những công trình sách ảnh được ông dồn nhiều tâm sức trong suốt hơn nửa thế kỷ làm nghề lão nghệ sỹ bùi ngùi nhớ lại bao kỷ niệm…

Theo bước chân anh

NSNA Hữu Nền bảo rằng ông bén duyên nhiếp ảnh chính từ người anh họ của mình (NSNA Nguyễn Hữu Cấy). Hữu Cấy hơn Hữu Nền vài tuổi, ông mồ côi cha mẹ từ sớm nên hơn 10 tuổi đã ra Hà Nội học nghề mưu sinh.

nhiep-anh-ha-noi-anh-nghe-thuat-nsna-huu-nen-gui-tam-long-trong-tung-buc-anh-01

NSNA Nguyễn Hữu Nền

“Lúc ấy, cụ thân sinh của tôi làm mộc cũng hướng tôi theo nghề nhưng tôi chẳng chịu. Cụ bảo thầu ruộng ở xã cho tôi làm tôi cũng lắc đầu. Địa phương cử đi học sư phạm tôi cũng không thích, một ông anh họ khác rủ lên Hà Nội làm nghề sắt tôi cũng không theo. Thế mà chẳng hiểu ông Cấy rủ rê kiểu gì mà tôi gật đầu luôn”- NSNA Hữu Nền nhớ lại.

Tròn 20 tuổi, rời quê hương An Thượng, huyện Hoài Đức (tỉnh Hà Tây cũ) lên Hà thành lập nghiệp, Hữu Nền bắt đầu học việc từ ông anh họ Hữu Cấy. Từ sự lạ lẫm, ngỡ ngàng chàng trai vốn chỉ quẩn quanh với mảnh vườn, thửa ruộng cũng đã dần quen với “buồng tối”, rồi thành thạo kỹ thuật in phóng ảnh chỉ sau một thời gian ngắn.

Khi Hữu Cấy vào làm việc ở nhà nước, Hữu Nền “tiếp quản” cửa hàng ảnh của ông anh để lại. Ít lâu sau (tháng 2/1960), Hữu Nền lại theo bước chân anh “đầu quân” vào Sở Nhiếp ảnh trung ương làm các khâu kỹ thuật về ảnh (sau này Sở sát nhập vào Thông tấn xã Việt Nam).

Trưởng thành từ gian khó

Từ một người thợ lành nghề, khi vào làm việc tại TTX Việt Nam, Nguyễn Hữu Nền dần trưởng thành hơn. Cho tới bây giờ ông vẫn nhớ những ngày tháng đầu tiên miệt mài cùng đồng nghiệp in phóng ảnh tư liệu để tuyên truyền phục vụ Đại hội Đảng lần thứ III, nhớ năm chiến tranh phá hoại (1965) đi xây dựng cơ sở sơ tán ở Phượng Cách, Quốc Oai, Hà Tây phải in phóng ảnh bằng ánh sáng của đèn dầu, pin, măng xông hay ánh sáng trời… rồi khoảng thời gian được biệt phái sang quân đội làm công tác báo chí tại B3- quân đoàn Tây Nguyên, mặt trận Tây Nguyên. Đây chính là dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời làm nghệ thuật của Hữu Nền. Từ một cán bộ đảm trách các công việc kỹ thuật ông được phân công thêm nhiệm vụ của một phóng viên ảnh.

Thực ra không phải chỉ đến khi được phân công nhiệm vụ, Hữu Nền mới cầm máy. Tình yêu nhiếp ảnh đã nhen nhóm trong ông từ những năm tháng mới vào nghề khi được xem, được ngắm những bức ảnh nghệ thuật, chân dung mà ông in phóng, rồi những ngày tháng đi xây dựng cơ sở ở nơi sơ tán. Cứ rảnh ông lại vác máy đi chụp.

Trở thành phóng viên chiến trường, niềm đam mê ấy như được bùng cháy. Để ghi lại một cách chân thực sự ác liệt của chiến tranh, Hữu Nền không ngần ngại xông pha ra chiến dịch. Những khoảnh khắc sinh tử của người chiến sỹ, những hiểm nguy khi pháo bắn, vây đồn…đã được Hữu Nền lưu giữ bằng chính những tác phẩm của mình. Sự trải nghiệm của một phóng viên ở vùng đất Tây Nguyên giúp Hữu Nền trưởng thành nhưng cũng lấy đi của người nghệ sỹ nhiều sức lực. Căn bệnh đau dạ dày cùng với những cơn sốt rét rừng hành hạ khiến ông phải nghỉ làm việc suốt ba năm (từ 1971 đến 1974) để ra Bắc điều trị. Lành bệnh, ông xin về NXB Văn hóa- Thông tin vẫn làm về kỹ thuật ảnh rồi trở thành một biên tập viên uy tín trong làng biên tập sách ảnh.

Nói đến Nguyễn Hữu Nền không thể không nhắc tới những công trình sách ảnh tiêu biểu mà ông cùng với đồng nghiệp đã thực hiện như cuốn: “Hà Nội xưa và nay”, “Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh”, “Huế – Di sản văn hóa thế giới”; “Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới”, “Phong cảnh Đà Lạt”… cũng như những tập bưu ảnh về những vùng miền của Tổ quốc…

Thành quả từ niềm say mê

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nhiếp ảnh, Nguyễn Hữu Nền không chỉ được biết tới với vai trò của một người biên tập sách ảnh, mà còn là tác giả của nhiều bức ảnh ghi dấu vẻ đẹp cũng như sự đổi thay của đất nước, Thủ đô trong suốt chặng đường lịch sử mà ông đã đi qua.

Thời gian làm việc tại NXB Văn hóa- Thông tin, Nguyễn Hữu Nền có cơ hội được đi tới nhiều vùng miền của cả nước và ông đã không bỏ lỡ cơ hội dùng ống kính máy ảnh để ghi lại vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống con người ở những vùng đất mà ông đã đi qua. Bạn bè trong giới nhận định đây là quãng thời gian mà Hữu Nền đã khẳng định được độ chín trong nghề, cũng như vị trí của mình trong giới nhiếp ảnh của Việt Nam. Khởi đầu cho những thành công của ông chính là giải thưởng ACCU của Unesco dành cho tác phẩm “Múa Ca Tu”  tại triển lãm ở Nhật Bản năm 1983, tiếp đó là tác phẩm về môi trường được chọn triển lãm tại Iraq (năm 2000)…

Năm 2014, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô, Hữu Nền ra mắt bạn đọc tập sách ảnh mang tên “Thủ đô Hà Nội”. Đây là lần thứ 2 ông làm sách ảnh cho riêng mình (trước đó năm 2003 ông đã trình làng cuốn sách ảnh cá nhân mang tên “Thắng cảnh Chùa Hương”). Tập sách ảnh “Thủ đô Hà Nội” sau khi xuất bản được giới nghề đánh giá cao và đem về cho nghệ sỹ Nguyễn Hữu Nền 2 giải thưởng ý nghĩa: Giải thưởng nhiếp ảnh xuất sắc năm 2014 của Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam và Giải thưởng VHNT Thủ đô 2014 do Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội trao tặng.

nhiep-anh-ha-noi-anh-nghe-thuat-nsna-huu-nen-gui-tam-long-trong-tung-buc-anh-02

Bến tàu điện bên hồ Hoàn Kiếm (ảnh chụp năm 1975 của Nguyễn Hữu Nền)

177  tác phẩm trong tập sách “Thủ đô Hà Nội” chỉ là một phần nhỏ trong “gia tài ảnh” mà Nguyễn Hữu Nền đã có được trong suốt nửa thế kỷ rong ruổi cùng máy ảnh nhưng đã phần nào cho thấy tình cảm mà Hữu Nền dành cho Hà Nội. Mảnh đất mà Hữu Nền đã gắn bó từ cái thuở đôi mươi hiện hữu trong tác phẩm của ông vô cùng sinh động: từ những di tích lịch sử văn hóa tới những danh lam thắng cảnh; từ những lễ hội, phong tục cổ truyền tới cuộc sống sinh hoạt của người dân; từ phố phường sôi động đến những vùng quê thôn dã…Qua góc nhìn của nghệ sỹ, người xem có thể thấy được diện mạo, sự đổi thay của Thủ đô cả hôm qua và hôm nay.

Nhà sử học Dương Trung Quốc khi xem tập sách đã chia sẻ: “Cái chất mộc mạc là ngôn ngữ chủ đạo của tập sách ảnh này. Chủ đề thì chẳng có gì mới nhưng người xem cuốn sách này nếu chú ý tới những mốc thời gian nghệ sỹ Hữu Nền bấm máy thì sẽ nhận ra được cái giá trị mà không phải ai cũng có, giá trị được tích lũy bằng vốn sống, tuổi nghề của một người cầm máy: hơn nửa thế kỷ”.

Còn đó ước mong

Một đời bấm máy và biên tập sách cho nhiều người trong đó có các đồng nghiệp của mình, mãi tới khi 77 tuổi Hữu Nền mới có cơ hội làm cho mình một cuốn sách về Hà Nội. Ông bảo dẫu muộn mằn, nhưng ông vui lắm bởi tập sách ảnh chính là sự món quà mà ông ấp ủ dành tặng cho Hà Nội từ lâu. Rồi ông khoe, tới đây gia đình ông sẽ tiếp tục cho ra mắt tập sách ảnh “Hồ Hoàn Kiếm thời gian và sự kiện”. Đây là tập hợp những tác phẩm về hồ Gươm của ông cùng với NSNA Hữu Cấy, con trai Hữu Nguyên, các cháu Hữu Vinh, Hữu Hinh (con của NSNA Hữu Cấy). Những khoảnh khắc ghi dấu vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, của không gian đô thị bên hồ ở nhiều mốc thời gian khác nhau sẽ thêm một lời khẳng định về tình yêu mà những nghệ sỹ nhiếp ảnh dòng tộc Nguyễn Hữu của làng An Thượng năm xưa dành tặng cho Hà Nội.

Một cuốn sách ảnh khác cũng được Nguyễn Hữu Nền dồn tâm sức đó là cuốn sách ảnh “Việt Nam di tích danh thắng và văn hóa”. Lão nghệ sỹ chia sẻ ông ấp ủ làm cuốn sách từ trước năm 2000 nhưng dự định dang dở vì chưa tìm được kinh phí. “In sách ảnh rất tốn kém, nhưng đã biên tập xong xuôi rồi mà để đấy thì day dứt lắm”- Nghệ sỹ Hữu Nền bùi ngùi rồi lật giở cho tôi xem từng trang ma ket của tập sách với những tấm ảnh đã được ông chắt chiu thu lượm suốt dọc dài đất nước trong hơn nửa thế kỷ làm nghề. Tôi đọc lời giới thiệu về tập sách của nhà văn Băng Sơn và chợt thấy chạnh lòng. Cây bút tản văn Băng Sơn đã về thế giới bên kia từ  6 năm về trước, còn tập sách của Hữu Nền vẫn chưa được nên dáng, nên hình.

Cả đời cặm cụi như con tằm nhả tơ, giờ ông vẫn sống giản dị cùng vợ và gia đình người con trai trong căn nhà chật chội. Niềm đam mê rong ruổi để thu lượm vào ống kính của mình cảnh sắc thiên nhiên con người ngày nào, gần 2 năm nay ông đành gác lại để dành thời gian chăm sóc người bạn đời bị tai biến đi lại khó khăn. Thế nhưng với những cuốn sách ảnh còn dang dở thì Nguyễn Hữu Nền chẳng hề muốn gác lại dẫu biết để cuốn sách ra đời trong hoàn cảnh hiện nay của ông là vô cùng khó khăn. “Lần trước in cuốn sách “Thủ đô Hà Nội” tôi cũng liều đấy. May mà sách được giải có thêm mấy chục triệu tiền tài trợ, rồi anh bạn làm ở đài truyền hình động viên thêm 10 triệu nữa. Lần này cũng phải quyết chí thôi, sang năm tôi tròn 80 tuổi rồi, phải có một cái gì ghi dấu ấn chứ!”- Lão nghệ sỹ tràn đầy hy vọng.

NSNA Nguyễn Hữu Nền sinh năm 1937 tại An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội, hội viên Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế FIAP. Ông đã được tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huy chương vì Sự nghiệp VHNT Việt Nam, Huy chương vì Sự nghiệp Văn hóa- Thông tin, Huy chương vì Sự nghiệp phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh.

Bài: Đặng Thủy

Ảnh: NSNA Nguyễn Hữu Nền

Tin liên quan