Đã từng có cuộc thi về ảnh nghệ thuật về đề tài thiếu nhi ở Việt Nam vào những năm 90. Cuộc thi lớn bởi số lượng ảnh dự thi lên đến gần 2000 ảnh của hơn 200 tác giả. Thời gian đó, đây là cuộc thi ảnh vào loại đồ sộ, có quy mô lớn, cấp toàn quốc và được trưng bày trang trọng.
Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (cơ quan tổ chức) và Ủy ban bảo vệ trẻ em đã có cuộc hội thảo, nhấn mạnh ý nghĩa lớn của đề tài này, nêu rõ vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc khai thác đề tài, những chỗ hạn chế và điều cần khắc phục khi xây dựng ý tưởng và thể hiện ảnh. Các Tạp chí, báo in đã giới thiệu rất nhiều ảnh đoạt giải được treo ở cuộc thi này.
Nhưng sau đó và kể từ ngày cuộc thi “Trẻ em và mối quan tâm của chúng ta” đã không còn nữa. Các giám khảo cuộc thi đã lần lượt ra đi. Các cháu nhỏ, nhân vật của nhiều ảnh có trong triển lãm nay đã thành những người lớn tuổi. Thật đáng tiếc là nhiếp ảnh Việt Nam đang rất phát triển, số người chụp, các cuộc triển lãm rất nhiều nhưng không có cuộc nào chuyên đề nào về đề tài “Nhiếp ảnh với đời sống trẻ em”, mặc dù ai cũng biết cần phải có, có nhiều cuộc trưng bày như thế.
Thực ra thì hình ảnh các cháu bé vẫn xuất hiện trong các cuộc thi và trưng bày ảnh, trong các bức ảnh đoạt giải trong nước và quốc tế. Các cháu bé vẫn được ống kính các nhà nhiếp ảnh chú ý. Hơn thế, nhiều cháu gái, cháu trai xinh xắn và bụ bẫm còn là người mẫu nhí để các tay máy thể hiện.
Quan niệm thế nào về việc phản ánh đời sống thiếu nhi trong văn học nghệ thuật? Và vì sao cần coi đây là đề tài quan trọng? Trẻ em và phụ nữ là các đối tượng quan trọng khi phản ánh con người trong một đất nước đang phát triển là điều được nhấn mạnh của VHNT từ rất nhiều năm nay. Đề cương Văn hóa năm 1943, Hội Nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, lần thứ 2 năm 1948, Sắc lệnh 147 của Chính phủ “Thành lập Doanh nghiệp Chiếu bóng và Chụp ảnh Quốc gia” đều nhắc tới việc phản ánh “Con người Việt Nam trong đấu tranh và bảo vệ tổ quốc”. Nghị quyết Hội nghị trung ương 5 khóa 8 năm 1948 lại lưu ý sự khẳng định giá trị con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, trong đó con người là đối tượng chính của Văn học nghệ thuật.
Tôi cho rằng, nói, viết, vẽ và chụp về những con người phải là sự phản ánh cuộc sống thực. Đó là sự nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên, phát triển. Việt Nam là đất nươc của những con người sống có mục đích, biết chung tay trong một cộng đồng. Nội dung, vẻ đẹp phải từ trong cuộc sống, một ý chí lớn. Vì sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới trẻ em là những gì cụ thể, từng bước, sự phấn đấu không ngừng nghỉ.
Nếu trên các ảnh chỉ là những cháu bé béo tốt, xinh đẹp và tươi cười được chăm nom đầy đủ ở các nhà mẫu giáo, các trường học đạt tiêu chuẩn quốc gia, ở các thành phố lớn, ở Thủ đô. Nếu trong các cuộc trưng bày chỉ là mấy cháu chạy trên cánh đồng làng, bán hàng rong ở các khu du lịch, được bố mẹ chăm sóc, được các bác sĩ ôm, chăm tại các nhà hộ sinh… là đã đủ. Đây là những hình ảnh cần có nhưng chưa đủ.
Chúng ta đang chứng kiến buồn, lo khi xem các hình ảnh về trẻ em trong nhiếp ảnh. Sự hời hợt qua chuyện là đang có trong sáng tạo nhiếp ảnh. Bức ảnh đoạt Huy chương Vàng triển lãm ảnh “Trẻ em và mối quan tâm của chúng ta” của nhà nhiếp ảnh Vũ Khánh đã nhiều năm thành mẫu để nhiều người bắc chước và khai thác lại từ ý tưởng đến bố cục, thậm chí còn chú thích “Mặt trời của mẹ”. Sự bắt chước và lạm dụng phần mềm photoshop đã tạo hiệu ứng làm giả cuộc sống, tô hồng và làm dáng, một trong những điều tối kỵ của nghệ thuật, nhất là với nhiếp ảnh, loại hình văn hóa thị giác có yêu cầu làm chứng khách quan của đời sống con người.
Hãy mở rộng và làm sâu đề tài sáng tác về trẻ em, như vậy phải hiểu, phải thật sự yêu thương chúng, chia sẻ với những thiếu thốn, áp lực mà các cháu bé, học sinh các trường ở đô thị, ở miền núi xa và sâu rất khó khăn. Miêu tả đa dạng, đầy đủ hơn và những tấm gương của trẻ em trong học tập, giúp đỡ gia đình, sự yêu thương giữa các lớp tuổi là sự ca ngợi Việt Nam hôm nay vượt lên để phát triển. Những người quản lý VHNT, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật cũng cần tranh thủ sự thông hiểu và giúp đỡ của chính quyền, doanh nghiệp để có thêm nhiều hơn các cuộc triển lãm ảnh về đề tài cần và hết sức sinh động này.
Tham luận của Nhà nghiên cứu LLPB Nhiếp ảnh Vũ Huyến