(Nhiếp ảnh Hà Nội) Trong những năm gần đây dân ca và nhạc cổ truyền đã, đang được giới thiệu nhiều với công chúng Thủ đô, du khách trong và ngoài nước tại Khu Phố cổ Hà Nội. Dân ca – nhạc cổ truyền Việt Nam bắt nguồn từ những buổi Lễ tế Thần linh hình thành hát Cửa Đình; từ những đêm hội giao duyên nam nữ hình thành hát Quan họ v.v…
Ảnh: Nguyễn Ngọc Ban
Chính từ những Lễ hội truyền thống đã tạo nên sự phong phú của dân ca và nhạc cổ truyền Việt Nam. Những làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền Việt Nam được trình diễn ở khu phố cổ không chỉ gây ấn tượng mạnh đối với du khách trong nước và quốc tế mà còn góp phần làm phong phú thêm nét đẹp độc đáo truyền thống văn hóa Hà Nội.
Làn điệu dân gian – ảnh: Tuyết Minh
Những làn điệu xưa như hát ru, hát đúm… kết hợp với các bộ môn chèo, tuồng, ca trù, chầu văn, hát xẩm, quan họ… được thể hiện hết sức mộc mạc và giản dị bởi các nghệ sĩ và nghệ nhân dân gian nổi tiếng, giàu kinh nghiệm với nhiều nhạc cụ cổ truyền. Nói đến dân ca và nhạc cổ truyền Việt Nam phải kể đến “Chuyện nhạc phố cổ” được trình diễn tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ, 50 Đào Duy Từ; Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, Giáo phường Ca trù Thăng Long thường trình diễn tại Ngôi nhà Di sản, 87 Mã Mây và Đình Kim Ngân, 42 Hàng Bạc; hát chầu văn tại ngã ba Lương Ngọc Quyến – Mã Mây; hát xẩm ở Đền Quán Đế, 28 Hàng Buồm và chợ Đồng Xuân v.v…
Ảnh: Nguyễn Đắc Nhân
Ảnh: Nguyễn Thế Hùng
Được biết “Chuyện nhạc phố cổ” do Ban Quản lý Phố Cổ Hà Nội, Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố Cổ Hà Nội và nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc phối hợp tổ chức. “Chuyện nhạc phố cổ” là một hành trình trở về với văn hóa âm nhạc truyền thống của Việt Nam. “Chuyện nhạc phố cổ” nhằm phục dựng lại thanh âm chất liệu cổ trong ca nhạc cổ truyền Việt Nam và được trình diễn tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố Cổ Hà Nội, số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ảnh: Nguyễn An
Ảnh: Nguyễn Thế Hùng
“Chuyện nhạc phố cổ” đem lại nhiều cung bậc xúc cảm về nét đẹp văn hóa âm nhạc gồm các loại hình nghệ thuật âm nhạc truyền thống như chèo, tuồng, ca trù, chầu văn, hát xẩm, quan họ…. “Chuyện nhạc phố cổ” với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân, nhạc công hàng đầu Việt Nam, thuộc nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc. Đó là những nghệ sĩ cao niên, đầy tâm huyết, giàu kinh nghiệm như NSND Xuân Hoạch, Mẫn Thu, Thu Hoài, Mạnh Phóng, Thanh Hoài; NSƯT Thanh Bình, Kim Liên, Vũ Ngọc, Thúy Ngần, Văn Chính, Đàm Quang Minh, Thanh Hà, Công Hưng…
Ảnh: Nguyễn Ngọc Ban
Tối 27/4/2019, vợ chồng tôi may mắn được mời đến 50 Đào Duy Từ, thưởng thức “Chuyện nhạc phố cổ”. Đã lâu lắm rồi tôi không được thưởng thức đêm nhạc mộc mạc, tinh tế, chân chất, không sử dụng thiết bị phóng thanh điện tử. Tôi thực sự ấn tượng trước thần thái, biểu cảm, sự hấp dẫn đầy tính nghệ thuật của các nghệ sĩ, nhạc công mà không phải lúc nào cũng có cơ hội để được thưởng thức. Vâng, một đêm nhạc thật tuyệt vời, đầy ấn tượng khiến ra về mà vẫn còn đọng mãi trong tâm trí tôi. “Chuyện nhạc phố cổ” đêm nay thật đặc sắc, khó có thể diễn tả bằng lời khiến tôi và tất cả những ai yêu thích dân ca, nhạc cổ Việt Nam như đang lạc vào “mê cung”.
Nhập vai – ảnh: Tuyết Minh
“Chuyện nhạc phố cổ” góp phần nâng cao sự hiểu biết; khơi gợi niềm đam mê và ý thức phục hồi sử dụng nhạc cụ dây tơ, hát nhạc truyền thống. Không chỉ có thế “Chuyện nhạc phố cổ” còn bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Trong hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật âm nhạc và diễn xướng truyền thống rất đặc sắc, độc đáo. Những tiếng nhạc xưa mộc mạc, chân thật của các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhạc công khiến người nghe như được ngược dòng trở về quá khứ; trở về hồn quê đất Việt với nhiều cung bậc cảm xúc. “Chuyện nhạc phố cổ” còn giúp người nghe có cái nhìn khái quát về âm nhạc Thăng Long xưa và tạo thêm sự sinh động, độc đáo, đa dạng cho nét đẹp di sản văn hóa phố cổ Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.
Hề chèo – NSND Mạnh Phóng – ảnh: Tuyết Minh
Ảnh: Nguyễn Đắc Nhân
Trong khán phòng mộc mạc đậm chất quê, người nghe còn được thưởng thức dân ca, nhạc cổ theo phong cách truyền thống của người Việt Nam trước đây. Mỗi khi khán giả thưởng thức tiết mục hay, tâm đắc thì thả thẻ tre vào chiếc chậu đồng ở gần sân khấu. Mỗi thẻ tre được quy định theo một mệnh giá và khán giả có thể mua một hay nhiều thẻ tre. Phong cách thưởng thức này được phục dựng để khán giả có thể giao lưu, tương tác với ca nhạc cổ truyền thống một cách văn minh, lịch sự.
Ảnh: Nguyễn An
Co thể nói “Chuyện nhạc phố cổ” thực sự cần rất nhiều thời gian; sự kiên nhẫn, lòng yêu nghề đầy tâm huyết của các nghệ sĩ, nghệ nhân và các nhạc công. “Chuyện nhạc phố cổ” cũng rất cần sự quan tâm, ủng hộ của khán giả khắp trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, tôi hơi băn khoăn khi nhận thấy phần lớn các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhạc công của “Chuyện nhạc phố cổ” đều đã lớn tuổi. Việc xây dựng đội ngũ kế cận trong việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật dân ca và nhạc cổ truyền là cấp bách và rất cần thiết. Điều đó càng rất cần sự chung tay của mọi người, đặc biệt rất cần sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo TP Hà Nội; của các cấp, các ngành để duy trì và phát triển “Chuyện nhạc phố cổ” ngày càng lớn mạnh.
Bài: NSNA Tuyết Minh