Trong không khí trang nghiêm, tiếng chuông chùa, nhà thờ ngân vang, người dân khắp cả nước cùng chắp tay cầu nguyện, thắp nến, thả hoa đăng tưởng niệm hơn 23.000 người mất vì Covid-19.
Các đại biểu, chức sắc tôn giáo cùng thắp nến cầu nguyện cho những người qua đời vì Covid-19 tại Dinh Thống Nhất, quận 1, TP HCM, tối 19/11.
“Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc ‘nhắm mắt xuôi tay’ không có người thân ở bên cạnh, không có một lời trăng trối; nhiều gia đình có 2-3 người tử vong, có những người đại dịch đã cướp đi cả cha mẹ và những người ruột thịt; có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời…”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nói trong buổi lễ. Ảnh: Quỳnh Trần
Chị Nguyễn Thị Tuyết Lan, vợ anh Cường “Béo”, mang di ảnh chồng tham dự lễ. Trước khi mất vì dịch, cuộc sống gia đình còn khó khăn nhưng anh Cường tích cực tham gia hỗ trợ người yếu thế trong Covid-19 và mở hai tiệm cơm chay thiện nguyện cho người nghèo. Ảnh: Quỳnh Trần
Y bác sĩ Bình Dương cầm trên tay ngọn nến tưởng niệm đến các nạn nhân không qua khỏi bởi Covid-19. Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết đã huy động mọi nguồn lực y tế trong tỉnh và viện trợ của nhiều tỉnh bạn để cố gắng dập dịch. “Những mất mát này không thể bù đắp được, xin chia sẻ đến thân nhân”, ông Thao nói. Ảnh: Phước Tuấn
Ông Trần Văn Chính, bảo vệ nhà thờ Ba Chuông (quận Phú Nhuận) kéo dây hồi chuông thay vì dùng điện như mọi hôm. “Ngày thường chuông đánh bằng điện, nhưng trong đại lễ tưởng niệm này chuông được đánh bằng tay để canh chuẩn tiếng chuông sầu hơn với ý nghĩa tiễn biệt người đã mất”, ông nói. Ảnh: Tuấn Việt
Bà Võ Thị Mỹ Dung (quận 8) cùng con thắp nến tưởng niệm chồng tại nhà. Đầu tháng 8, cả gia đình bà đều nhiễm Covid-19. Chồng bà là ông Lê Khắc Huỳnh, 64 tuổi, chưa kịp tiêm vaccine nên trở nặng, được đưa đến bệnh viện Trưng Vương hôm 6/8. 5 ngày sau, bà Dung cũng được đưa đến bệnh viện Dã chiến quận 8. Từ hôm đó bà bặt tin ông.
Sau 10 ngày điều trị, bà được xuất viện, trong lòng đinh ninh chồng con đợi sẵn ở nhà mà không ngờ rằng ông đã mất cách đó 3 hôm. Gần 3 tuần sau gia đình mới nhận được tro cốt. “Lúc anh ấy mất không có người thân nào bên cạnh”, người phụ nữ 68 tuổi kể. Ảnh: Lê Tuyết
Người dân chắp tay cầu khấn trước chùa Pháp Hoa (quận 3), nơi diễn ra lễ thả hoa đăng tưởng niệm các nạn nhân Covid-19.
Theo Thượng tọa Thích Quảng Minh, trụ trì chùa, để đảm bảo phòng dịch, lễ tụng kinh cầu nguyện diễn ra tại chánh điện với 150 người, sau đó là lễ truyền đăng, tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch. “Buổi lễ mang tinh thần an ủi những linh hồn đã mất và người thân của họ trong đại dịch”, thượng tọa Thích Quảng Minh nói. Ảnh: Nhật Thực
Lời nhắn nhủ “Mẹ yêu” của một thân nhân được viết lên hoa đăng trước khi thả xuống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Mỗi hoa đăng được làm bằng giấy có nến ở giữa mô phỏng theo cánh hoa sen để cầu nguyện siêu độ cho người đã khuất theo ánh sáng ấm áp. Ảnh: Nhật Thực
Khi những hoa đăng trôi trên dòng kênh, một người thân nạn nhân Covid-19 quỳ lạy tỏ lòng thành kính. Ảnh: Nhật Thực
Tại Hà Nội, trong không khí trang nghiêm, chùa Quán Sứ đánh chuông và gần 100 phật tử bắt đầu tụng kinh tưởng niệm đồng bào qua đời vì Covid-19. Hòa thượng Thích Thanh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam, chủ trì lễ cầu siêu tại chùa Quán Sứ. Ảnh: Phạm Chiểu
Hình ảnh thành kính xúc động cũng diễn ra ở nhiều tỉnh thành như Long An, Cần Thơ, Đà Nẵng… Tại Đồng Tháp, bà Nguyễn Thị Phượng Minh, ở TP Sa Đéc, dự lễ tưởng niệm tại chùa Bửu Quang từ sớm. Bà chắp tay khấn nguyện trước linh vị người mất vì dịch bệnh. “Vì nghĩa đồng bào và thương xót người ra đi không có người thân bên cạnh, tôi đến thắp nén nhang, hồi hướng mong họ được yên nghỉ”, bà nói. Ảnh: Ngọc Tài
Kết thúc lễ tưởng niệm kéo dài khoảng 60 phút, người thân nạn nhân Covid-19 dâng hoa và nến trên sân khấu Hội trường Thống Nhất (TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần
Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 23.578 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm. Riêng TP HCM là hơn 17.300 người, chiếm hơn 74% cả nước.