Suốt 3 giờ, nhóm lao động dầm trong nước mặn để bắt 3 tấn ốc hương cho gia chủ, tiền công 700.000 đồng mỗi người.
Từ 3h ngày 10/11, ông Lê Văn Vinh (giữa) cùng bốn người ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi thuê ôtô chở máy móc từ nhà vượt hơn 100 km đến xã ven biển Bình Nam, huyện Thăng Bình. Nhóm ông Vinh được chủ hồ nuôi ốc hương thuê bắt với tiền công 5 triệu đồng.
Dụng cụ bắt ốc hương gồm máy nổ, máy bơm để trên dàn phao nổi trên mặt nước. Máy bơm nước xả ra sẽ tạo lực lớn thổi bùn cát, ốc dưới đáy hồ. Phía sau máy gắn túi lưới, ốc nằm lại phía trong, bùn cát đi ra ngoài.
“Tôi đầu tư 30 triệu đồng mua máy nổ, máy bơm nước rồi chế tạo một dàn phun áp suất lớn đẩy bùn cát. Như hồ này (rộng 1.500 m2) bắt trong trong 3 giờ được 3 tấn ốc”, ông Vinh, gần 10 năm chuyên bắt ốc thuê, nói.
Trừ chi phí dầu, mỗi người thu về 700.000 đồng. Nếu thu hoạch nhiều hồ liền kề, mỗi ngày nhóm làm việc khoảng 10 tiếng, bắt được hơn 10 tấn ốc, thu nhập hơn 1,5 triệu đồng một người.
Để máy hoạt động cần đến 5 người, một người kéo máy đi trước, một người đi phía sau giữ ống nước để thổi bùn cát. Ba người còn lại, một người đè giàn phun nước, một người ngâm mình trong nước giữ lưới hứng ốc và người cuối cùng kéo thùng nhựa chứa ốc. Do công việc này đặc thù, các chủ hồ nuôi phải thuê người thu hoạch ốc.
Anh Huỳnh Na, người phụ trách giữ lưới hứng ốc phải ngâm mình trong nước. “Để bắt hết ốc trong hồ phải kéo máy lặp lại đến ba lượt”, anh nói.
Sau 5 phút, túi lưới chứa hơn 20 kg ốc được cho vào thùng nhựa để đưa lên bờ. “Trong hồ có nhiều vỏ ốc sắc nhọn, để bảo vệ, thợ phải đeo bao tay. Nghề này đỏi hỏi sức khỏe, làm việc cực nhọc, ngại nhất là mùa đông giá rét”, anh Na nói.
Ốc hương có tên khoa học Babylonia areolata, sống ở vùng biển nhiệt đới, cơ thể dài 10 cm, nặng khoảng 60 gram. Vỏ ốc màu trắng với những vân nâu, tím lớn nhỏ chạy đều theo thân.
Thức ăn của ốc gồm mùn bã lắng đọng ở đáy biển và xác thối rữa của các loài thủy sản. Loại hải sản này có mùi thơm kể cả trước và sau khi chế biến, con càng to càng thơm ngon.
Những nơi máy không sục bắt được, thợ phải mò cho hết ốc. “Mỗi hồ nuôi vài tấn ốc, sau khi bắt chỉ sót lại 5-10 kg”, ông Phan Văn Chạy (áo trắng) nói.
Nhóm thu hoạch ốc làm thuê từ Bình Định đến Thừa Thiên Huế. Mỗi tháng làm khoảng 25 ngày, tập trung từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau. Thời gian còn lại nhóm chuyển ốc giống từ hồ này sang hồ kia nuôi.
Nhóm ông Vinh làm việc từ 8 đến 11h bắt hết 3 tấn ốc trong hồ. Ốc loại 100 con một kg bán 200.000 đồng, sau đó được bảo quản tươi sống xuất sang Trung Quốc.
Tại Quảng Nam, ốc hương được nuôi chủ yếu dọc biển huyện Thăng Bình khoảng hai năm nay. Ở miền Trung, ốc được nuôi nhiều ở Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa… hơn 10 năm qua.
Người dân ven biển huyện Thăng Bình học hỏi cách nuôi ốc hương trên vùng cát ven biển. Loài hải sản này ít dịch bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế nên một số người chuyển đổi ao nuôi tôm thẻ chân trắng sang nuôi ốc.
Ao nuôi ốc được kế thừa từ ao nuôi tôm lót bạt, bơm nước biển vào, đổ lớp cát dưới đáy khoảng 40 cm. Hàng năm, sau Tết Âm lịch người dân thả giống, sau 6-8 tháng thu hoạch.