Nhà báo, NSNA Ngô Minh Đạo – Khiêm nhường sau những cống hiến lớn lao

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Sinh năm 1937, lớn lên trên quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh, xã Sơn Hải, Huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, thừa hưởng những kiến thức nhiếp ảnh cùng niềm đam mê từ người cha – Cố nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn

NSNA Ngô Minh Đạo

Chia sẻ những ký ức của mình về người cha thân yêu, Nhà báo, NSNA Ngô Minh Đạo kể: “Ông cụ thân sinh ra tôi sinh năm 1911 tên thật là Ngô Đức Đẩu. Đầu những năm 30 của thế kỷ trước, cụ vào Sài Gòn học nghề ảnh và làm thuê cho các hiệu ảnh ở đây. 25 tuổi, cụ quyết định trở về Nghệ An mở hiệu ảnh mang tên Quỳnh Sơn tại thị trấn Cầu Giát và sinh sống bằng nghề này. Cụ chụp ảnh bằng chiếc máy cổ với chân máy bằng gỗ. Năm 1936, Người đi khắp các địa bàn trong tỉnh chụp những hình ảnh thời kháng chiến chống Pháp .Theo cuốn sách “Nhiếp ảnh thế kỷ 20” do tỉnh Nghệ An phát hành có đoạn ghi về nhà nhiếp ảnh Quỳnh Sơn: “Là người đầu tiên ở Nghệ An chụp ảnh phóng sự về cuộc kháng chiến chống Pháp. Trước khi mất, ông đã hiến cho tỉnh hàng nghìn tấm phim có giá trị lịch sử. Hiện tại, hơn 1000 bức ảnh của ông đang được trưng bày tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Gần đây ông được vinh danh là KỶ LỤC GIA VIỆT NAM”.

Là con “nhà nòi” nhiếp ảnh, năm 1956 ông là cộng tác viên nhiếp ảnh tại Ty Văn hóa Nghệ An. Với tay nghề sẵn có cùng sự năng động của tuổi trẻ, ảnh của ông thường được đăng trên các trang báo Trung ương và địa phương. 

Cờ Tổ quốc tung bay trong gió

Trả lời phóng viên về cơ duyên ông được vào TTXVN khi mới ở tuổi 23, ông tâm sự: “Năm 1960, khi tôi đang làm việc ở Ty Văn hóa Nghệ An, tình cờ gặp Trưởng Phân xã TTXVN tại Nghệ An, qua câu chuyện biết cơ quan Thông tấn đang cần tuyển phóng viên, được sự khuyến khích tôi theo học lớp Phóng viên, trau dồi thêm nghiệp vụ chụp ảnh phóng sự, báo chí. Tốt nghiệp, tôi ở lại Hà Nội và làm việc tại TTXVN và được điều động làm phóng viên thường trú tại Việt Trì, Phú Thọ. Năm 1966, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bắt đầu lan rộng khắp các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc bộ và miền Trung.  Tôi được điều động vào mặt trận Quảng Bình – Vùng chiến sự ác liệt sát vĩ tuyến 17 với bí danh: Đức Minh – Thông tấn xã Giải phóng(TTXGP)”.

Chiến trường Đông Lào

Mọi người đều biết, những năm tháng chiến tranh, được tác nghiệp trực tiếp tại chiến trường, ngoài những người lính chỉ có phóng viên chiến trường (phóng viên TTXVN, phóng viên Báo Quân đội Nhân dân…) Hàng trăm phóng viên tin, ảnh, điện báo viên của TTXVN đã cống hiến tuổi thanh xuân, để những dòng tin, bức ảnh về sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập, hòa bình và tự do của Tổ quốc được lan tỏa khắp trong nước và thế giới. Nhà báo Ngô Minh Đạo là người trong số đó, ông may mắn sống sót sau những tháng năm khốc liệt ấy. Những bức ảnh về Quân giải phóng, những dũng sĩ diệt Mỹ cùng những phóng sự mặt trận tại chiến tuyến mang tên Đức Minh – TTXGP hàng ngày được gửi về Hà Nội và có mặt ở hầu hết các báo, tạp chí trong và ngoài nước.

Trách nhiệm trong công việc; đam mê trong nghề nghiệp, 30 tuổi mới nghĩ đến đến chuyện lấy vợ, rồi chỉ vẻn vẹn 3 ngày “trăng mật”, Ngô Minh Đạo lại lên đường sang Lào theo quyết định của lãnh đạo cơ quan, ông phụ trách tổ chuyên gia giúp nước bạn đào tạo và xây dựng phân xã Thông tấn KPL tại Xiêng Khoảng. Những phóng viên ông đào tạo sau này đã trở thành Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc Cơ quan Thông tấn xã  KPL CHDC Nhân dân Lào, có người là Chủ tịch Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Lào. Bốn năm xa gia đình ở nước bạn, để lại các con cho người vợ trẻ vất vả một mình trong điều kiện khó khăn nhất của đời sống lúc bấy giờ. Nhắc đến người vợ quá cố hết mực yêu thương của mình, ông lại nghẹn ngào những xúc cảm.

40 năm là phóng viên TTXVN, ông luôn cho đó là duyên nghiệp, là định mệnh, bởi từng ấy năm ông thường phải xa gia đinh; 17 năm làm phóng viên chuyên trách phục vụ bốn nhiệm kỳ các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ: Tổng bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Không tết truyền thống nào ông được sum họp cùng gia đình bởi cùng các vị lãnh đạo đi chúc tết nhiều nơi. Bù lại, ông được đi khắp mọi miền đất nước và đến 62 quốc gia trên thế giới. Hàng nghìn cuộn phim tư liệu lịch sử ông chụp trong những năm tháng tháp tùng các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ hiện đang lưu giữ tại TTXVN cùng những bức ảnh lịch sử hiện có ở hầu hết các Bảo tàng trong nước. 

Chia sẻ những khó khăn nghề nghiệp khi thường xuyên phải đi nước ngoài công tác hàng trăm chuyến, ông kể: “ Những năm tháng ấy đâu đã có máy ảnh kỹ thuật số như bây giờ, toàn chụp phim chuyển ảnh khá vất vả .Phải đi tráng phim; chờ phim khô rồi phóng tấm ảnh đen trắng khổ 18×24; chờ ảnh khô lắp vào máy phát sóng. Tất cả dựa vào thiết bị của bạn và cuối cùng là nhờ Hãng thông tấn nước bạn chuyển về nước để cơ quan TTXVN kịp phát báo, đăng ngày hôm sau . Công việc khá vất vả và tốn rất nhiều thời gian, có khi chuyển xong ảnh về nước chỉ kịp ăn gói mì tôm mang theo, xong lại bám theo các hoạt động của đoàn. Vất vả nhưng cũng vui vì nó đúng với đam mê của mình”

Sông Vàm cỏ Đông Nam Bộ

Có điều kiện đi nhiều nơi cùng các nguyên thủ Quốc gia, đặc biệt đi bằng máy bay trực thăng trên đất liền cũng như ngoài biển đảo, Ngô Minh Đạo đã có những bức ảnh chụp từ trên cao rất đẹp, hiếm ai có được kể cả bây giờ khi công nghệ chụp ảnh trên cao bằng flycam hiện đại (đang là trào lưu của giới nhiếp ảnh đương đại). Năm 2002 ông cho ra đời cuốn sách ảnh: “Nhìn từ cánh bay non nước Việt” với hàng trăm bức ảnh đặc sắc – những tư liệu quý cho kho tàng của nhiếp ảnh Việt Nam. Năm 2014 ông vinh dự được “Xác lập kỷ lục” Quốc gia với tập sách này. Nhiều tác phẩm của ông đã đạt những giải thưởng cao tại các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế.

Làng cá Nghi Sơn, Thanh Hoá

Ở tuổi 84, ông vẫn say sưa học hỏi công nghệ về nhiếp ảnh. Những máy ảnh kỹ thuật số, những phần mềm chỉnh sửa ảnh mới nhất được ông ứng dụng và vẫn cho ra đời những bức ảnh đầy ấn tượng. Trả lời phóng viên về minh, ông vẫn khiêm nhường với bản tính vốn có: “Mình chẳng có công lao gì, chỉ nhờ may mắn, được tin tưởng và hoàn thành trách nhiệm. Quan điểm của mình là đã nhận việc là phải làm cho tốt.” Ông nở nụ cười hiền trên khuôn mặt đầy nhân hậu.

Về những cống hiến của Nhà báo, Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Ngô Minh Đạo, xin được hoàn thiện chân dung Nhà báo, NSNA Ngô Minh Đạo bằng đánh giá cô đọng nhất của Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Trần Mai Hưởng: “NSNA Minh Đạo thuộc lớp những phóng viên nhiếp ảnh đầu tiên của TTXVN. Hơn 40 năm gắn bó với nghề thông tấn , ông đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách trong chiến tranh và hoà bình, với những đóng góp xuất sắc.Là một nhà báo – chiến sĩ , ông đã có mặt ở hầu hết các địa bàn ác liệt trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, tuyến lửa khu 4, đường Trường Sơn, mặt trận Bắc Quảng Trị… Ông đã có mặt trên chiến trường Lào, vừa là phóng viên, vừa giúp đào tạo các phóng viên ảnh cho Thông tấn xã KPL. Ông đã tham gia cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 2/1979, sát cánh bên nhà báo Nhật Bản Takano và chứng kiến giây phút người phóng viên dũng cảm này hy sinh ngay trong tầm tay mình… Ông cũng đã nhiều năm làm phóng viên chuyên trách của TTXVN cho các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước , ghi lại nhiều sự kiện có ý nghĩa lịch sử  “Nét nổi bật ở NSNA Minh Đạo là phẩm chất chiến sĩ và nghệ sĩ luôn gắn bó , hoà quyện, tạo nên nhiều bức ảnh hấp dẫn. Khi tác nghiệp như một phóng viên, trong điều kiện có thể, ngoài ý nghĩa thời sự báo chí, ông vẫn luôn có ý thức hướng tới những bức ảnh đẹp, hoàn chỉnh về ánh sáng, bố cục , ở những khoảnh khắc bấm máy sống động nhất. Ở những tác phẩm ấy, ranh giới giữa báo chí và nghệ thuật như đã được xoá nhoà. Ông quan niệm: Vẻ đẹp của cuộc sống luôn đa dạng, nhiều vẻ, người cầm máy cần nhiều sự tìm tòi, nhiều hình thức khác nhau để khám phá và thể hiện vẻ đẹp ấy . Quan niệm ấy đã được ông chứng minh bằng nhiều tác phẩm xuất sắc, đem lại các giải thưởng trong nước và quốc tế.”

Trân trọng giới thiệu chùm ảnh của NSNA Ngô Minh Đạo

Lung linh Hồ Gươm
Vịnh Hạ Long
Ruộng bậc thang Y Tý
Đồi chè Mộc Châu
Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là Thu-hoach-lua-mua-640x410.jpg
Thu hoạch lúa

Bài: Kỳ Nam  
Ảnh: NSNA Ngô Minh Đạo

Tin liên quan