I – PHỔ QUÁT VỀ NGHỆ THUẬT
Nói về nghệ thuật là điều không mới. Tuy nhiên, khi con người và cuộc sống tồn tại thì nghệ thuật vẫn là điều tinh túy nhất của cuộc sống.
Với tư cách là đối tượng nghiên cứu của mỹ học, nghệ thuật được coi như một hình thái ý thức xã hội. Trong quá trình đồng hoá thế giới, nhận thức thẩm mỹ, mà đỉnh cao của nó là nghệ thuật đã giúp con người thấy được thế giới trong chỉnh thể hoàn mỹ của nó.
Thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của con người, đó là chức năng đặc thù của nghệ thuật. Nhu cầu thẩm mỹ là nguyên nhân của nghệ thuật. Sự hoàn thiện, hoàn mỹ là mục đích vươn tới của nghệ thuật.
Các nhà triết học, nhà tư tưởng chỉ ra những vấn đề cơ bản của nghệ thuật:
Điđrô (1713 – 1784), nhà duy vật điển hình của Triết học Khai sáng Pháp, nhà văn, nhà phê bình nghệ thuật khẳng định: “ Mục đích chính của nghệ thuật là phục vụ nhân dân, giáo dục đạo đức cho quần chúng nhân dân. Để hoàn thành sứ mạng cao cả của mình nghệ thuật phải có tính tư tưởng cao”.
Hêghen (1770 – 1831), triết gia vĩ đại người Đức bàn về cái đẹp trong nghệ thuật: “ Sự kết hợp cân đối giữa nội dung và hình thức là yếu tố căn bản để tạo ra cái đẹp.”.
Đối với nghệ thuật, khát vọng vươn tới sự hoàn thiện, hoàn mỹ là nguyên nhân cơ bản và mục đích chân chính của mọi trường phái nghệ thuật, mọi nghệ sĩ. Những khía cạnh của cuộc sống được phản ánh trong các tác phẩm nghệ thuật xét đến cùng đều xuất phát từ lý tưởng đẹp của nghệ sĩ.
Nghệ thuật giúp con người nhận thức hiện thực khách quan, nhưng là cái hiện thực khách quan trong chỉnh thể toàn vẹn của nó, cái hiện thực khách quan dưới góc độ thẩm mỹ.
Nghệ thuật giáo dục và cảm hoá con người bằng cách thông qua hình tượng nghệ thuật. Nhờ nghệ thuật mà tâm hồn nhân loại phong phú, đẹp và cao cả. Chính thế nên sáng tạo nghệ thuật và cảm thụ nghệ thuật là sự tinh túy trong tâm hồn con người.
Nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội, là đối tượng nghiên cứu của mỹ học; thế nên, cặp phạm trù Nghệ thuật- Thẩm mỹ là không thể tách rời; không có thẩm mỹ thì làm sao có nghệ thuật và ngược lại.
II- “ PHẨM CHẤT” NGHỆ THUẬT CỦA NHIẾP ẢNH
Nhiếp ảnh ngày nay hiện diện xứng đáng và tự hào là một loại hình nghệ thuật sánh ngang các loại hình nghệ thuật khác. Nếu như văn học thông qua ngôn ngữ, âm nhạc thông qua âm thanh, hội họa qua tranh vẽ, thì nhiếp ảnh qua những bức ảnh khẳng định tính chất nghệ thuật đặc thù của mình.
Bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng tuân theo những quy luật, tiêu chí chung của nghệ thuật. Nhiếp ảnh để trở thành nghệ thuật không thể tự mình sáng tạo nên những phẩm chất ngoài nghệ thuật. Vậy điều cần bàn đến ở đây là “ phẩm chất” nghệ thuật của nhiếp ảnh.
Nhiếp ảnh nói chung bao gồm các hoạt động chụp ảnh để ra các sản phẩm ảnh được phân thành nhiều thể loại: ảnh thương mại, ảnh dịch vụ, ảnh kiến trúc, ảnh chân dung, ảnh phong cảnh…. Cũng như văn học, sản phẩm của sự viết rất phong phú như viết thư, viết báo cáo, viết theo cảm hứng…; hội họa thì người vẽ Pano, vẽ quảng cáo, vẽ trên gốm, sứ…; âm nhạc, sân khấu cũng vậy. Nhưng để các sản phẩm ấy được công nhận, thừa nhận là nghệ thuật lại là chuyện khác. Nghệ thuật phải là sự sáng tạo ở bậc cao, phải hội được các tiêu chí nghệ thuật và thẩm mỹ. Rõ ràng một điều, không thể cứ viết là trở thành nhà văn, cứ vẽ là thành họa sĩ hay cứ chụp là thành nghệ sĩ nhiếp ảnh.
Nhiếp ảnh lâu nay vẫn nhập nhòa trong tư duy nghệ thuật. Bởi vậy nên, không ít triển lãm ảnh mang tiêu chí rõ ràng là nghệ thuật, nhưng một số ảnh trong đó lại hoàn toàn không có yếu tố nào nghệ thuật, chỉ là ảnh phản ánh cuộc sống hay con người một cách thuần túy, đạt chuẩn về kỹ thuật.
Thực ra sự phân định cho rõ ràng giá trị nghệ thuật là điều không dễ; bởi nghệ thuật là sự sáng tạo và cảm nhận ở một mức độ cao nào đấy của trí tuệ, thẩm mỹ.
Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều mong vươn đến sự hoàn thiện hoàn mỹ và chỉ thực sự trở thành nghệ thuật khi kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức – nói như Hêghen.
Con đường đi tìm phẩm chất nghệ thuật của nhiếp ảnh là con đường không đơn giản và đầy khó khăn. Bất cứ nhà nhiếp ảnh nào tìm đến con đường nghệ thuật trong nhiếp ảnh cũng đã có trong mình một vốn liếng nhất định về nghệ thuật. Tuy nhiên, để định rõ hình hài và hiểu rõ về nó vẫn còn là những khoảng trống chưa dễ lấp đầy.
Một tác phẩm nhiếp ảnh có tính nghệ thuật, điều đầu tiên phải là một tác phẩm nhiếp ảnh kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức.
Yếu tố hình thức: Hình thức trong tác phẩm nhiếp ảnh là các yếu tố: bố cục như thế nào, ánh sáng ra sao, các tiêu chuẩn kỹ thuật đặc thù của ảnh…Hình thức là cái vỏ ngoài, nhưng vô cùng quan trọng; nếu một tác phẩm ảnh không có một hình thức hoàn hảo hay hợp lý thì dù nội dung có sâu sắc, có đầy tính nhân văn cũng không thể là một tác phẩm nghệ thuật.
Nói hình thức ở đây là hình thức nghệ thuật chứ không đề cập đến hình thức thông thường. Hình thức nghệ thuật trong tác phẩm ảnh là trên cơ sở hình thức thông thường, nhưng đã được nâng ở một tầm khác; được soi chiếu dưới một nhãn quan, một mỹ cảm mang yếu tố nghệ thuật. Ví dụ cũng là sử dụng ánh sáng, nhưng nhà nhiếp ảnh thuần túy sẽ sử dụng khác, nhà nhiếp ảnh nghệ thuật sẽ sử dụng làm sao nhằm tôn bật được chủ đề, nhân vật hoặc sự kiện trong ảnh. Cũng là bố cục nhưng nhiếp ảnh nghệ thuật mang đến một cảm nhận thẩm mỹ khác vừa lạ, mới, vừa độc đáo đến không ngờ…
Yếu tố nội dung: Nội dung trong ảnh là những thông tin mà ảnh chứa đựng, như: thời gian, không gian, thực tế đời sống, diễn biến sự việc sự kiện, nhân vật, cảnh quan….Không một bức ảnh nào không có một nội dung nhất định. Đây cũng là điểm khác giữa hội họa đương đại và nhiếp ảnh, mặc dù về cơ bản hội họa và nhiếp ảnh có nhiều điểm tương đồng. Người họa sĩ vẽ tranh trừu tượng, lập thể hay siêu thực trên bức tranh không có sự hiện diện cụ thể của một nội dung nào. Thông qua bố cục, đường nét, các mảng mầu và những điểm nhấn nhá, người ta có thể cảm được bức tranh ấy nói gì. Nhiếp ảnh không thế. Nhiếp ảnh đòi hỏi phải có một nội dung cụ thể. Ngay khuynh hướng ảnh gọi là ý tưởng hiện nay, trong thời đại kỹ thuật số (KTS); người nghệ sĩ ( hay người thợ lành nghề cắt dán, bôi, xóa…của các thể loại ảnh khác) muốn thể hiện được ý tưởng của mình cũng phải thông qua một hệ thống những hình ảnh, nội dung có thực để thực hiện.
Từ nội dung thuần túy mang tính chất thông tin đến nội dung mang tính chất nghệ thuật có khoảng cách khác nhau. Chính khoảng cách này là một trong những sự phân định giữa ảnh thông thường với ảnh nghệ thuật.
Nội dung chứa đựng nghệ thuật phải trên cơ sở nội dung thông thường nhưng đã được phát hiện, nâng cao, được phả vào đấy những ý tưởng thẩm mỹ của người nghệ sĩ.
Mỗi bức ảnh đều chứa đựng một hàm lượng thông tin nhất định. Điều này bất cứ bức ảnh nào cũng có. Nhưng, điều phân biệt để ảnh có giá trị nghệ thuật chính là hàm lượng thông tin ấy như thế nào! Ảnh tư liệu, ảnh báo chí, ảnh thương mại, ảnh du lịch…lượng thông tin dừng lại ở mức định dạng, nhận biết. Ảnh nghệ thuật, qua lượng thông tin cụ thể tạo nên những cảm xúc thẩm mỹ, những suy tưởng sâu xa vượt lên trên, ra khỏi khuôn khổ hình thức của bức ảnh. Hàm lượng thông tin của ảnh nghệ thuật đem đến cho người ta những rung động thẩm mỹ về cái đẹp, sự cao cả, chất nhân văn, nhân bản…
Bất cứ nghệ thuật nào cũng đòi hỏi sự hài hòa của hình thức và nội dung. Riêng nghệ thuật nhiếp ảnh, do tính đặc trưng khu biệt, đòi hỏi một yếu tố không thể thiếu được, đó là Khoảnh khắc.
Yếu tố khoảnh khắc: Nhiếp ảnh nói chung, nhiếp ảnh nghệ thuật nói riêng là sự cố định một khoảnh khắc của cuộc sống. Cuộc sống là sự vận động không ngừng nghỉ, trong đó con người hay cảnh vật… cũng đều bắt buộc phải tuân theo quy luật của thời gian. Nhiếp ảnh muốn tạo ra một tấm ảnh hay một tác phẩm ảnh, điều duy nhất phải hướng ống kính vào cuộc sống ( ngay ảnh thời KTS hôm nay cũng vậy. Không thể tạo ra ảnh từ những gì không có trong cuộc sống).
Nhiếp ảnh là nghệ thuật cắt những lát cắt rất mỏng của cuộc sống, nhưng giá trị những lát cắt ấy vô cùng lớn lao và có thể trường tồn cùng thời gian. Đây là thế mạnh duy nhất chỉ có ở nhiếp ảnh. Chính những khoảnh khắc mà nhiếp ảnh “ định dạng” được, hay nói như trong nghề là “ chộp” được, là những điển hình của diễn biến, sự việc, con người, cảnh quan… Cái điển hình đã được định dạng ấy nhiều khi có giá trị vô cùng lớn khái quát cả một quá trình vận động của cuộc sống, con người…Điều này trong ảnh báo chí, thời sự thành công hơn cả.
Đối với nhiếp ảnh nghệ thuật, vai trò của khoảnh khắc là không thể thiếu và nhiều khi có giá trị quyết định sự thành công hay thất bại của tác phẩm ảnh. ( Đã có tham luận riêng về vấn đề này, xin phép không bàn thêm ).
Khi một bức ảnh hội đủ các yếu tố về hình thức, nội dung, khoảnh khắc; bức ảnh ấy đã trở thành tác phẩm nghệ thuật ảnh chưa! Chưa hẳn!
Một bức ảnh có bố cục hợp lý, ánh sáng hợp lý, đạt chuẩn về kỹ thuật; đồng thời hàm chứa một nội dung thông tin chân thực và nắm bắt được khoảnh khắc bấm máy điển hình; bức ảnh ấy chỉ dừng lại ở giới hạn của sự phản ánh cuộc sống và mang lại một lượng thông tin tích cực cho người xem. Để trở thành tác phẩm nghệ thuật, bức ảnh ấy phải dung chứa trong nó những yếu tố của một hình thức nghệ thuật và nội dung nghệ thuật cùng với đặc tính khu biệt là khoảnh khắc trong ảnh.
Tuy nhiên, yếu tố quyết định quan trọng nhất, mang tính bao trùm đó là những giá trị tư tưởng và thẩm mỹ mà một tác phẩm nghệ thuật ảnh phải có.
Tư tưởng vừa cao siêu vừa gần gũi với mọi người. Cao siêu ấy là khi tư tưởng mang nội hàm triết học. Gần gũi, đó là những quan niệm của con người. Khi một tác phẩm ảnh nghệ thuật đạt tới tầm cao, tác phẩm ấy hội tụ đầy đủ các yếu tố nghệ thuật, cũng đồng thời có giá trị tư tưởng và thẩm mỹ cao. Trong ảnh nghệ thuật tư tưởng và thẩm mỹ không hề tách bạch mà nhiều khi là sự đồng nhất. Thực tế nhiếp ảnh nghệ thuật của Việt Nam những năm qua tính tư tưởng không cao, hoặc vắng bóng của tư tưởng trong ảnh. Để vươn tới một tầm tư tưởng nhất định, bản thân người nghệ sĩ phải là người có kiến thức sâu rộng nhiều mặt, có tri thức về văn hóa. Thường có câu: Hiểu biết – Khám phá – Sáng tạo. Nếu không có hiểu biết thì không có khám phá, và nếu không có khám phá thì không có sáng tạo. Con đường đi của nhân loại phát triển tới ngày nay không ngoài con đường đó. Nghệ thuật nhiếp ảnh đương nhiên cũng trong quỹ đạo đó. Một tác phẩm nhiếp ảnh có tư tưởng thì người sáng tạo ra tác phẩm ấy cũng đồng thời là người đang sở hữu tư tưởng của chính mình. Tư tưởng trong tác phẩm nhiếp ảnh được thể hiện thông qua hệ thống chuyển tải của nội dung, hình thức, khoảnh khắc để trở thành một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ. Tư tưởng trong ảnh vượt ra ngoài khuôn khổ tác phẩm, và mang tính trừu tượng nhằm biểu đạt một điều gì đấy mà người nghệ sĩ nhiếp ảnh muốn nói tới, muốn vươn tới.
Giá trị thẩm mỹ trong nghệ thuật nhiếp ảnh là sự bao trùm toàn bộ những gì người nghệ sĩ biểu đạt bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh. Không thể có tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh nếu như, trong tác phẩm ấy không có một nội dung nghệ thuật tốt, một hình thức nghệ thuật tốt, một khoảnh khắc bấm máy điển hình, một tư tưởng vượt thoát những cái cụ thể, để mang một giá trị thẩm mỹ khơi gợi những ý tưởng tốt đẹp, cao xa trong tâm hồn con người, nhân loại; khiến con người rung động, đồng cảm với những gì nghệ thuật thị giác- nhiếp ảnh mang lại. Như Becton Bailơ, nhà lý luận nhiếp ảnh nổi tiếng người Đức nói: “ Bản chất của nghệ thuật là việc thơ hóa cuộc sống một cách có thẩm mỹ, là sự bổ sung thêm một nội dung có trí tuệ”.
Nghệ thuật và thẩm mỹ là hai khái niệm nhưng có sự đồng nhất. Một tác phẩm nghệ thuật không thể không có thẩm mỹ.
Như đã dẫn phần trên, Điđrô nói: “ Để hoàn thành xứ mạng cao cả của mình nghệ thuật phải có tính tư tưởng cao”. Soi chiếu vào nhiếp ảnh có thể thấy rằng: Một tác phẩm nhiếp ảnh muốn đạt tới tầm cao hiển nhiên phải có tính tư tưởng cao.
Thực tế đời sống nhiếp ảnh Việt Nam từ khi nhiếp ảnh được du nhập đến nay cho thấy:
– Nhiếp ảnh Việt Nam là một ngành nghệ thuật nhưng chưa được nhìn nhận đúng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nó. Do đó chưa có hệ thống đào tạo ở bậc cao ( cao đẳng, đại học trở lên ). Những năm gần đây trường đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội, trường cao đẳng Sân khấu- Điện ảnh TP Hồ Chí Minh mới có khoa Nhiếp ảnh bậc cao đẳng, đại học ( tuy nhiên giáo trình cũng vẫn là vấn đề bàn thảo ).
– Những năm trước một số phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam, hoặc một vài đơn vị trung ương khác được gửi đi đào tạo về nhiếp ảnh ở nước ngoài, Tuy nhiên, kiến thức về nhiếp ảnh giai đoạn đó còn có những hạn chế do vấn đề thời đại.
– Những nhà nhiếp ảnh Việt Nam trưởng thành và thành danh phần lớn bằng con đường tự học, tự mày mò. Do đó, cách nhìn, cách chụp… cũng đa phần mang tính bản năng.
Từ những nguyên nhân chưa đầy đủ trên, có thể thấy rằng: Do không có điều kiện được đào tạo cơ bản, không được trang bị kiến thức chuyên môn có hệ thống; nên các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam có nhiều lỗ hổng trong kiến thức, đặc biệt kiến thức về nghệ thuật và nghề nghiệp. Từ những hạn chế này dẫn đến những trạng huống: 1- Tự tin thái quá. 2- Tự ti thái quá. 3- Ảo tưởng và ngộ nhận. 4- Lúng túng, mất phương hướng. 5- Hiểu lệch, hiểu sai….
Từ những trạng huống trong quan niệm, suy nghĩ trên của đa số những nghệ sĩ nhiếp ảnh đã dẫn đến sự “ mông lung” trong cách hiểu, cách nhìn về nghệ thuật nhiếp ảnh. Ai cũng nghĩ mình đã hiểu hết, biết hết về nghệ thuật nhiếp ảnh…
Nghệ thuật là con đường vô tận, là đỉnh cao không bao giờ với tới. Không ai có thể dám chắc mình đã đi hết con đường, đã tới đỉnh cao nghệ thuật.
Không quá tự tin hay tự ti, nhìn thẳng vào sự thật hoạt động nhiếp ảnh, đời sống nhiếp ảnh để thấy rằng sự nghiệp sáng tạo nhiếp ảnh phụ thuộc vào tất cả những nghệ sĩ cầm máy hôm nay, và hy vọng rằng thế hệ kế tục có sự chuẩn bị cơ bản hơn.