TP HCMNhận những đồ đạc của người cha qua đời vì Covid-19 tại Bệnh viện đã chiến số 16, anh Huỳnh Đức Minh Đức, 38 tuổi, bật khóc.
Từ ngày 19/9, Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 (ICU) – Bệnh viện Bạch Mai tại TPHCM đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 (đường Đào Trí, quận 7) lập nhà kho cất giữ những đồ đạc của người qua đời vì Covid-19. Nơi đây rộng 30 m2, để khoảng 300 túi đồ được sắp xếp gọn trên các kệ.
“Những người mất trong dịch này rất tội nghiệp, không có người thân bên cạnh, không được làm đám tang. Vì vậy chúng tôi có trách nhiệm phải giữ đầy đủ những kỷ vật để trả lại gia đình, như một phần an ủi tới họ”, bác sĩ Trần Thái Sơn, Phó phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện cho biết.
Theo đó, từ ngày 8/8, khi trung tâm ICU hoạt động, những đồ đạc của người tử vong tại đây sẽ được giữ lại. Tất cả đều được kiểm kê kỹ với sự chứng kiến của công an và quân đội trước khi mang xuống nhà kho.
Chiều 21/9, hàng chục thân nhân đến làm thủ tục nhận lại kỷ vật. Tại bàn tiếp nhận ở gần cổng, anh Huỳnh Đức Minh Đức, ở quận 10, ghi thông tin của mình và người mất để nhân viên y tế vào kho tìm kiếm.
“Hơn hai tuần trước, ba tôi dương tính được đưa vào đây rồi bệnh chuyển biến nặng, không may qua đời. Hôm nay nhận được cuộc gọi từ bệnh viện tới lấy đồ sinh hoạt của ba, tôi vội vàng chạy đến”, anh Minh Đức nói.
Chiếc túi nhỏ của ba anh Đức mang theo khi vào nhập viện gồm sổ khám bệnh, giấy tờ cá nhân, bảo hiểm, điện thoại… được bác sĩ mang ra để anh kiểm tra lại.
Anh Đức khóc nghẹn khi ôm chiếc túi chứa những kỷ vật của cha. “Tôi không nghĩ ba ra đi nhanh vậy, giờ nhìn thấy những món đồ này tôi cảm thấy rất hối hận, vì còn nhiều điều chưa thể làm được cho cha”, anh nói.
Chị Lý Lệ Hương nhận lại điện thoại cùng giấy tờ tùy thân của mẹ, mất hồi cuối tháng 8. “Những đồ vật này có thể không giá trị nhưng với người thân thì rất ý nghĩa”, chị Hương nói.
“Ngày vợ tôi nhập viện có mang theo 18 triệu đồng, giờ vẫn còn nguyên cùng với giấy tờ tùy thân và vật dụng cá nhân”, anh Trương Minh, ở quận 1, nói.
Vợ mất cuối tháng 8 khiến anh Minh chịu cảnh “gà trống nuôi ba con”, trong đó đứa út mới 2 tuổi, không người trông nên anh phải bế theo.
Chị Vương Tuyết Xuân (quận 8) vào kho để nhờ bác sĩ tìm balô của em trai. Mẹ chị cũng nhiễm nCoV và đã qua khỏi.
Vừa tìm kiếm đồ cho thân nhân, bác sĩ Nguyễn Văn Dáng cho biết, quy trình trao trả đồ cũng gặp nhiều khó khăn, do số lượng khá nhiều nên có thể nhầm lẫn. Nhiều người khi nhập viện đã hôn mê, chưa kịp lấy thông tin cá nhân nên tìm gia đình của họ cũng phức tạp. Ngoài ra có không ít đồ “vô danh” do quá trình tiếp nhận bệnh nhân gấp gáp.
Những kỷ vật của bệnh nhân Covid-19 khá phong phú, nhiều nhất là điện thoại, giấy tờ tùy thân, tiền mặt, áo quần… Những chiếc điện thoại đa số đều hết pin sẽ được sạc lại và chờ người nhà tới nhận diện bằng việc gọi điện vào số máy.
Một túi đồ vẫn còn nguyên vẹn cùng lời nhắn “Mẹ ơi cố lên”.
Đồ đạc khi đưa về kho lưu trữ sẽ liên tục khử khuẩn mỗi ngày trước khi trao trả cho gia đình.
Đến 16h30, còn gần chục người đợi ở cổng chờ tới lượt vào làm thủ tục nhận đồ của người nhà.
Lãnh đạo bệnh viện cho biết, ba ngày qua, mỗi ngày nhân viên y tế gọi khoảng 100 cuộc điện thoại cho người nhà nạn nhân. Nhưng chỉ khoảng 20 người tới nhận do đa số thân nhân nằm trong vùng cách ly hoặc đang điều trị Covid-19 không thể đến được.
Ở một số bệnh viện dã chiến khác, khi bệnh nhân mất nếu có người nhà ở đó sẽ giao luôn kỷ vật. Trường hợp nguời nhà chưa tới được, đồ đạc của người mất cũng sẽ được giữ lại và chờ thân nhân tới nhận.