Nuôi rệp lấy nhựa cánh kiến đỏ

Nhiều gia đình người Mông, Thái ở huyện biên giới Mường Lát đang phát triển nghề nuôi rệp cánh kiến đỏ cho thu nhập kinh tế cao.

Buổi sáng một ngày giữa tuần, bà Hà Thị Thặn, 60 tuổi, xách chiếc gùi lên sườn đồi gần nhà ở bản Lát (xã Tam Chung, huyện Mường Lát) thu hoạch cây đậu thiều đang đến kỳ cho nhựa cánh kiến đỏ. Bà cầm con dao quắm tỉ mỉ gõ từng thân cây to như ngón chân cái kiểm tra trước khi đốn cành vừa ý. Hơn nửa buổi, bà thu được gần một gùi đầy thân cây có nhựa cánh kiến đỏ, mang về khoảng sân trước ngôi nhà sàn, ngồi bóc tách rồi đem phơi cho được nắng.

Mấy năm nay, gia đình bà Thặn không còn trỉa bắp, trồng sắn đại trà mà dành phần lớn quả đồi cạnh nhà, rộng gần một hécta, trồng cây đậu thiều nuôi rệp cánh kiến đỏ. “Xưa trồng màu rất vất vả. Sau nghe nuôi rệp kiếm được, giá cả ổn định nên gia đình chuyển sang làm cái này”, bà Thặn nói.

Nhựa cánh kiến đỏ được bà Thặn thu về sau gần nửa năm chăm sóc. Ảnh: Lê Hoàng
Nhựa cánh kiến đỏ được bà Thặn thu về sau gần nửa năm chăm sóc. Ảnh: Lê Hoàng

Cánh kiến đỏ là chất nhựa màu đỏ do loài rệp son có tên khoa học Laccifer lacac Kerr, thuộc họ sâu cánh kiến, tiết ra. Nhựa được dùng trong công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, đánh bóng, đặc biệt là chất phụ gia trong sản xuất bao bì tự hủy thân thiện với môi trường. Theo đông y, cánh kiến đỏ có vị đắng, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, cầm máu…

Rệp cánh kiến đỏ sống trên nhiều cây chủ như đậu thiều, cỏ khiết, cọ phèn… Bà Thặn cũng như nhiều người ở Mường Lát chủ yếu trồng cây đậu thiều do phù hợp khí hậu và thổ nhưỡng. Cây đậu trưởng thành cao 2-3 m, khi cây lớn đến ngang đầu người lớn thì bắt đầu được cấy rệp cánh kiến đỏ vào.

Cây chủ sau đó tự sinh sôi, rệp cũng lan rộng và bám khắp cành cây thành những mảng màu trắng. Mùa thả rệp cánh kiến đỏ tập trung vào tháng 4 hàng năm, đến tháng 10 thì thu hoạch hoặc gối từ cuối năm sang mùa hè. Mỗi năm gia đình bà Thặn đều đặn thu hai vụ cánh kiến đỏ, bán được 30-40 triệu đồng.

Rệp bám đầy thân cây đậu thiều sau đó chích nhựa để tiết ra nhựa cánh kiến đỏ. Ảnh: Lê Hoàng
Rệp chích nhựa cây đậu thiều và tiết ra nhựa cánh kiến đỏ. Ảnh: Lê Hoàng

Nghề nuôi rệp cánh kiến đỏ xuất hiện ở huyện biên giới Mường Lát từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ban đầu chỉ số ít hộ nuôi, sau đó nhận thấy giá trị của cánh kiến đỏ có thể giúp dân thoát nghèo, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa đã nhân rộng diện tích. Đến nay, huyện Mường Lát có hơn 50 hộ nuôi, ở các xã Tam Chung, Trung Lý, Quang Chiểu, thị trấn Mường Lát…

Bắt đầu nuôi rệp cánh kiến đỏ từ hai năm trước, gia đình ông Hà Văn Ủy (55 tuổi, ở khu 3, thị trấn Mường Lát) đã chuyển một phần diện tích đất trồng lúa nương và đất vườn sang trồng cây nuôi cánh kiến đỏ. “Làm lúa hay trồng các loại cây khác quanh năm tất bật nhưng chỉ đủ ăn thôi, giờ chuyển sang nuôi cánh kiến đỏ được hơn mà lại nhàn…”, ông Ủy nói.

Ông Ủy tính toán trung bình một sào 500 m2 đất rừng nuôi cánh kiến đỏ, trừ chi phí mỗi năm lãi 10-15 triệu đồng, lại không phải đầu tư lớn hay công chăm sóc.

Ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát, đánh giá nuôi cánh kiến đỏ là một trong những nghề giúp nhiều gia đình người Thái, Mông ở địa phương có thêm thu nhập. Do đặc thù miền núi, địa hình phức tạp và khí hậu thất thường, ít mưa nên việc nuôi cánh kiến đỏ cũng tùy thuộc vào từng khu vực.

“Diện tích trồng, nuôi cánh kiến đỏ hiện nay chưa nhiều, nhưng cũng góp phần đáng kể cho đồng bào vươn lên dần thoát nghèo”, ông Thắng nói và kỳ vọng nghề nuôi cánh kiến đỏ tới đây sẽ được mở rộng.

Tin liên quan