Thả rùa biển sáng sớm ở Côn Đảo

(Tin hot) Đến Hòn Bảy Cạnh vào sáng sớm bạn sẽ được chứng kiến rùa con thoải những bước chân đầu tiên trên cát và vươn ra biển khơi.

Bình minh trên Côn Đảo vào một ngày cuối tháng 10, nhìn từ đảo lớn Côn Sơn hướng ra Hòn Bảy Cạnh. Du khách đến Côn Đảo hầu hết sẽ lưu trú và tham quan ở đảo lớn Côn Sơn trước khi di chuyển và khám phá các đảo nhỏ xung quanh, trong đó Hòn Bảy Cạnh là một điểm đến nổi tiếng nhất.

Tour đi thả rùa con thường bắt đầu từ 6h 30 sáng nên du khách phải dậy sớm chuẩn bị trang phục phù hợp và ra cầu tàu du lịch Côn Đảo. Đi Hòn Bảy Cạnh từ thị trấn Côn Sơn, nếu đi thuyền gỗ sẽ mất 45 phút, nếu đi cano chỉ tốn 15 – 20 phút.

Hòn Bảy Cạnh nằm ở phía đông đảo Côn Sơn, diện tích 683 ha gồm 2 phần đảo nối liền với nhau bằng bờ cát dài ở giữa gọi là Bãi Cát Lớn. Toàn bộ đảo được bao phủ bởi rừng nhiệt đới cùng nhiều loài động vật đặc hữu như sóc mun, sóc đen, kỳ đà, trăn, rắn, một số loài chim biển… Đây cũng là nơi đón du khách đi tour xem rùa biển đẻ trứng hoặc thả rùa con về biển nhiều nhất.

Lên đảo, du khách tới khu vực bảo tồn rùa biển của trạm kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh, được hướng dẫn viên giới thiệu về đời sống, việc bảo tồn, vòng đời sinh trưởng của rùa, và các quy định khi du lịch.

Vào tháng 4 đến hết tháng 10 hàng năm có trên 400 rùa xanh (hay vích) và đồi mồi về vùng biển Côn Đảo đẻ trứng ở các bãi biển lớn ở Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Tre Lớn, Hòn Tài… Trên 150.000 rùa con được cứu hộ và thả về biển, tỉ lệ nở trứng thành công đạt đến 87%. Vườn quốc gia Côn Đảo được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nơi thả rùa con về biển nhiều nhất.

Mỗi nhóm khách được phân bố cho một số giỏ đựng sẵn rùa con bên trong, sau đó di chuyển ra Bãi Cát Lớn để tự tay thả. Du khách nghe nhân viên trạm kiểm lâm phổ biến cách thức thả rùa con về biển: không chắn lối ra biển, không dẫm đạp hay sờ bắt bằng tay với rùa con, chụp hình, quay video không quá gần…

Du khách nên ngồi xuống, mở giỏ sát bờ cát để rùa con tự bò ra ngoài và tiến ra biển. Hoạt động thả rùa con về biển phải thực hiện vào lúc sáng sớm để tránh ánh nắng gay gắt đồng thời tránh thủy triều và sóng lớn. Những con rùa nhỏ khi được thả sẽ hướng ngay ra mép nước và tập bơi lập lức.

Tỉ lệ rùa con sống đến tuổi trưởng thành chỉ có 1/1.000 do đó công tác bảo tồn rùa biển luôn được nâng cao. Hàng năm, VQG Côn Đảo còn kết hợp Liên minh Bảo tồn Thiên Nhiên Quốc tế (IUCN) tuyển thêm tình nguyện viên thực hiện công tác bảo tồn rùa biển vào tháng 6 – 8 do là mùa cao điểm rùa về các đảo đẻ trứng.

Sau khi thả rùa về biển, du khách đi theo đường mòn ven rừng ngập mặn đê về điểm cano đậu. Trên tuyến đường này, du khách có thể tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái rừng ngập mặn Côn Đảo, chủ yếu là đước đôi, đưng, vẹt trụ, vẹt dù, dà vôi, su ổi, bàng phi… Đây là khu rừng rừng ngập mặn nguyên sinh được hình thành, phát triển trên nền cát pha lẫn san hô chết – một nét độc đáo, hiếm thấy ở nơi khác tại Việt Nam. Rừng ngập mặn Côn Đảo có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, phòng hộ chắn sóng và là nơi ươm nuôi và trú ẩn của nhiều loài thủy sinh.

Ngoài hoạt động thả rùa biển, xem rùa đẻ trứng, tới Hòn Bảy Cạnh du khách còn được bơi, lặn ống thở ngắm san hô. Các rạn san hô khu vực biển xung quanh hòn Bảy Cạnh có diện tích khoảng 366 ha, có nhiều loài san hô rất khác nhau: dạng cành, dạng bàn, dạng phiến, khối đĩa…

Tin liên quan