Chuyên gia Anh được vinh danh ‘người tốt Thủ đô’

Harold Browning, 35 tuổi, được vinh danh “Người tốt việc tốt” của Thủ đô nhờ chăm sóc, xây dựng không gian sống cho động vật hoang dã từng bị buôn bán.

Harold Browning, quốc tịch Anh, đã 8 năm gắn bó với Việt Nam trong vai trò chuyên gia cố vấn phúc lợi động vật, Tổ chức Động vật châu Á. Phúc lợi động vật (animal welfare) được hiểu là đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt về thể chất và tinh thần.

Hiện anh làm cố vấn phúc lợi động vật cho khoảng 600 con vật tại trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, nơi hầu hết động vật là tang vật của các vụ án buôn bán; đồng thời tư vấn cho nhiều vườn thú Việt Nam.

Ngày 6/9, Harold Browning được UBND TP Hà Nội công nhận là một trong 70 cá nhân “Người tốt, việc tốt” năm 2022.

8h hàng ngày, Harold Browning thường kiểm tra một vòng chuồng trại. Tại trung tâm, động vật vào ra thay đổi hàng ngày nên luôn cần cập nhật thông tin về điều kiện chăm sóc, thức ăn, chế độ khôi phục sức khỏe…

Trung tâm đang được mở rộng, sắp xếp lại các khu chuồng cho hợp lý. Từng chuồng sẽ được thiết kế khoa học, phù hợp cho từng loài. “Loài chim cần che chắn tránh gió, loài gấu cần khu bán hoang dã có nhiều đồ chơi, loài khỉ vượn có nhiều không gian di chuyển…”, Harold Browning nói.

Những cành cây lớn nhỏ được ráp nối tạo không gian cho chuồng chim. Harold Browning đã tạo ra các khu chuồng đa năng nuôi ghép nhiều loài động vật như sóc lớn (sóc Côn Đảo), nhím, chim hồng hoàng với gà lôi, các loại chim trĩ với công, rùa…

Harold Browning chia sẻ, làm việc với động vật phải hiểu mỗi loài ở tự nhiên thường làm gì, có nhu cầu gì, trong môi trường nuôi nhốt hay cứu hộ thì phải làm cho động vật gần nhất với cuộc sống tự nhiên. Nguyên tắc chung là cho động vật sự lựa chọn để tự điều chỉnh hành vi.

Động vật hoang dã đã trải qua nhiều ngày bị tách khỏi môi trường tự nhiên nên khi đưa về trung tâm sẽ ở khu cách ly riêng, theo dõi 30 ngày. Nếu sức khỏe tốt, chúng sẽ được sắp xếp vào chuồng phù hợp.

Harold quan sát chim hồng hoàng tại trung tâm. Nhiều năm gần đây, loài chim này mới được nghiên cứu bảo tồn do nạn săn bắt gia tăng.

Chim hồng hoàng phân bố ở các vùng khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới ở một số nước Đông Nam Á, Ấn Độ và phía Nam Trung Quốc.

Harold kiểm tra một con rùa Trung Bộ, loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Trước kia, loài này có giá cả chục USD/con nên nhiều người đi săn bắt tận diệt.

Ở Việt Nam có nhiều loài rùa. Harold cho biết việc theo dõi độ ẩm nơi rùa sinh sống rất quan trọng. Trong chuồng phải có nhiều không gian nhiệt độ khác nhau, vừa có nắng chiếu vào, vừa có bể nước, khu dưới tán lá ẩm thấp và nền đất tự nhiên để giữ cơ thể rùa mát mẻ.

Nhiều động vật khi được tiếp nhận trong tình trạng bị thương, hoặc sau khi ghép đàn không hợp có thể đánh, cắn nhau. Harold sẽ cùng các bác sĩ chăm sóc vết thương, giúp con vật hồi phục.

Căn phòng gần 10 m2 là nơi làm việc của bộ phận phúc lợi động vật. Đồng nghiệp Nguyễn Lê Thùy Linh cho biết, chuyên ngành ban đầu của Harold là làm phúc lợi cho gấu, nhưng nay bất kỳ động vật nào về trung tâm cũng phải qua tay anh. Với kinh nghiệm nhiều năm, Harold luôn tâm huyết với từng động vật, đặc biệt những con mới đưa về trung tâm.

Một góc làm việc của Harold Browning.

Công việc của anh bắt đầu từ 8h đến 16h30, có thời điểm trung tâm nhận nhiều động vật anh phải ở lại trực cả tuần. Mỗi khi vườn thú cả nước cần hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, anh lại lên đường.

Hàng ngày, Harold đi xe máy gần 50 km từ trung tâm Hà Nội tới nơi làm việc ở Sóc Sơn, bất kể mưa hay nắng và thường có mặt sớm hơn 30 phút.

Harold cho biết sẽ tiếp tục gắn bó với công việc phúc lợi động vật ở Việt Nam. “Những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc động vật hoang dã ở đây đang thay đổi rõ ràng, có kỹ năng, hiểu hơn về động vật. Đó là động lực cao nhất để tôi gắn bó”, anh nói.

Tin liên quan