(Du lịch) Trang Lonely Planet nhận xét phở Việt Nam, mì udon Nhật Bản, hay mì xào rau của Trung Quốc là những món ngon, rẻ, phổ biến với khách du lịch và đặc biệt thơm ngon tới cả miếng cuối cùng.
Phở, Việt Nam
Phần lớn du khách tới Việt Nam đều nghe tên phở – một món ngon phổ biến và nổi tiếng giống như món bánh táo đối với người Mỹ. Phở được phục vụ hàng ngày, cho tất cả tầng lớp từ nghèo tới giàu. Bánh phở, nguyên liệu chính là những sợi phở mỏng được cho vào bát nước dùng nấu từ xương, thịt bò hay gà. Món ăn này cần phải thưởng thức nhanh khi còn nóng nếu không bánh phở ngập nước sẽ bị nở và mềm nhũn.
Một bát phở ngon không chỉ có nước dùng và bánh phở mà còn có cả những miếng thịt gà hoặc bò, thêm một số loại rau thơm như húng, hành lá, giá đậu… Phở trong nhà hàng thường được bày trong một bát sứ, có thìa, đũa đi kèm các gia vị để nêm thêm tùy khẩu vị thực khách. Ảnh: Ngonblog.
Lo mein, Trung Quốc
Không một loại mì Trung Quốc nào có thể nổi tiếng như Lo mein (mì xào rau). Món ăn được thưởng thức khi còn nóng hổi cùng sốt đậu nành và tùy khẩu vị của mỗi người mà có thêm thịt, hải sản, hay các loại rau. Lo mein là tiếng Quảng Đông, nhưng nguồn gốc chính xác của món ăn vẫn không có ai biết rõ.
Ở miền Tây Trung Quốc, lo mein thường bị nhầm với chow mein, một loại mì tương tự nhưng dày, giòn hơn. Lo mein là phiên bản mì mềm hơn của chow mein, và luôn được cho thêm rau, thịt sau khi nấu gần xong mì. Thời gian nấu đủ dài để làm nóng tất cả nguyên liệu nhưng không làm mì giòn. Thực khách có thể thưởng thức lo mein bằng đũa hay dĩa tùy thích. Ảnh: Damndelicious.
Naengmyeon, Hàn Quốc
Naengmyeon hay mì lạnh có nguồn gốc từ Triều Tiên nhưng lại phổ biến nhất tại vùng Busan, Hàn Quốc. Mì phải được ăn lạnh trong một bát kim loại cùng với đũa. Giống nhiều món ăn khác của xứ kimchi, mì lạnh cũng có vị cay đặc trưng của sốt ớt, dưa chuột xắt mỏng, lê và dưa muối. Món ăn có mặt ở hầu hết các nhà hàng Hàn Quốc và thường được phục vụ cho những thực khách thích ăn khuya, tuy vậy Busan vẫn là nơi có mì lạnh ngon nhất.
Một biến tấu khác của mì lạnh là mul naengmyeon với nước dùng mặn hơn và cách làm mới hơn. Mì còn còn tượng trưng cho tuổi thọ nên các sợi mì thường được để rất dài, khi phục vụ có đặt thêm kéo cho thực khách tự cắt. Ảnh: theepochtimes.
Aash e Reshteh, Iran
Như mì lạnh của Busan, Hàn Quốc, Aash e Reshteh là một loại mì tượng trưng cho tuổi thọ. Vào ngày lễ lớn của người Iran như tiệc năm mới Norooz, món ăn này được chế biến rất thịnh soạn khi có thêm đậu xanh, đậu lăng, hành và kem sữa đông lạnh (kashk). Món ăn được trang trí rất đẹp mắt với lá bạc hà, các loại hạt và thêm kem sữa.
Mì Aash e Reshteh là một món ăn truyền thống được làm tươi, sấy khô rồi đóng hộp. Tiệc Norooz không thể thiếu được món mì này, mặc dù món ăn có thể chế biến và thưởng thức quanh năm. Aash e Reshteh thường được bày trên đĩa dẹt và ăn bằng thìa. Ảnh: Food and Farsi in Seattle.
Spaghetti alla carbonara, Italy
Đây là món ăn có nguồn gốc từ vùng Lazio, làm bằng spaghetti – một trong những loại mì nổi tiếng nhất thế giới. Thịt, xương hàm lợn, trứng sống và pho mát parmesan được nấu trên lửa nhỏ để trứng ở dạng kem. Món này cũng phổ biến không kém spaghetti, không những tại Italy mà cả một phần châu Âu và ở Mỹ. Một phiên bản khác của Spaghetti alla carbonara thay vì thịt lợn và trứng là nghêu, cà chua và dầu.
Spaghetti gần như giữ được sự đơn giản, với nước sốt kết hợp từ nhiều nguyên liệu và gia vị khác nhau. Món ăn luôn phải ăn bằng dĩa, không dùng thìa. Ảnh: lobelsculinaryclub.
Udon, Nhật Bản
Là một món ăn mang lại cảm giác thoải mái, một lựa chọn nhanh gọn cho người không có thời gian, các bà mẹ muốn nấu một bữa nhanh, hoặc các học sinh, sinh viên đang muốn nạp năng lượng giữa các buổi học.
Bạn sẽ tìm thấy mì udon (thường được ăn nóng với nước dùng đậm hương vị với bên trên là một số nguyên liệu ăn kèm) ở khắp nơi trên nước Nhật. Tuy nhiên, Sanuki udon của vùng đảo Shikoku là món ngon đặc biệt và cũng phổ biến nhất tại các thành phố lớn. Người mê udon thật sự sẽ đi cả hàng trăm km chỉ để thưởng thức bát mì Sanuki udon thứ thiệt. Ảnh: halalfocus.
Sopa seca, Mexico
Không giống với tên của nó (sopa nghĩa là soup trong tiếng Tây Ban Nha), sopa seca của người Mexico là sự kết hợp của món spaghetti với thịt hầm. Seca nghĩa là khô, mì sẽ được đảo trên cảo cho tới khi chúng giòn nhưng không bị cháy. Sau đó cà chua, hành, hương liệu và bơ được thêm vào rồi cho vào lò nướng tới lúc có màu vàng nâu. Khi bày ra đĩa kèm quả bơ, rau mùi và pho mát, món sopa seca còn ăn cùng với đậu và rau xà lách xắt nhỏ. Ảnh: wikitravel.
Spaetzle, Đức
Spaetzle là món mì trứng nổi tiếng của Đức. Mì được chế biến bằng cách nhào bột với trứng, sữa tươi, rồi cho vào một dụng cụ có nhiều lỗ để ép thành sợi mì, các sợi ngắn và to sẽ lọt xuống nồi nước sôi đặt sẵn trên bếp. Cách làm này dễ hơn nhiều so với các công đoạn nhào, cán, cắt khi làm pasta của Italy.
Sau khi vớt mì chín ra khỏi nồi nước sôi, người ta có thể đem chiên, hay trộn mì với các nguyên liệu khác như hải sản, các loại rau, pho mát… để tạo nên món ngon tùy khẩu vị mỗi người. Ảnh: Chowhound.