(Nhiếp ảnh Hà Nội) – “Nhiếp ảnh nghệ thuật với thực tiễn cuộc sống”, hay “Cách tiếp cận cuộc sống để tạo ra tác phẩm ảnh” cũng cùng là một chủ đề mà cuộc Hội thảo LLPB Nhiếp ảnh của Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội đề cập đến.
Thực tiễn cuộc sống là không gian để các nhà nhiếp ảnh sáng tạo vô cùng rộng lớn, mêng mông và không có giới hạn. Trước một cái vô hạn như vậy làm thế nào để tạo ra những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị nghệ thuật? Đó là điều không đơn giản chút nào. Nhất là lại mang vấn đề này ra mổ xẻ, bóc tách cho rành mạch, sáng sủa và khúc triết thì quả thật là nan giải. Tuy nhiên từ lâu nay chúng ta đã được tiếp cận với nhiều luận thuyết về vấn đề này như: bí quyết chụp ảnh để có tác phẩm đẹp; thế nào là ảnh nghệ thuật; khoảnh khắc trong nhiếp ảnh; hay nghệ thuật đỉnh cao trong nhiếp ảnh… Từ thực tiễn sáng tác các nhà lý luận phê bình, cũng như các NSNA thời gian qua đã đúc kết những kinh nghiệm để xây dựng nên một “qui chuẩn” cho quá trình sáng tạo nghệ thuật trong nhiếp ảnh. Đó là những vốn kiến thức vô cùng quí giá. Chúng ta trân trọng nó và coi nó như cẩm nang, như hành trang dành cho các nhà nhiếp ảnh.
Song trong thực tiễn cuộc sống hiện nay, nhiều vấn đề, nhiều quan điểm lý luận nhiếp ảnh vẫn chưa làm thỏa lòng các nhà cầm máy. Có rất nhiều câu hỏi đặt ra mà chưa có kết luận cuối cùng. Bên cạnh đó, trong mớ bòng bong của các luận điểm chứa đựng không ít những đối kháng và mâu thuẫn. Nhiều tranh cãi không thể đưa đến kết luận cuối cùng. Bàn luận nhiều trong khi đó “thực tiễn cuộc sống” vẫn vận động và phát triển không hề mảy may chú ý đến những tranh luận của của nhà nhiếp ảnh.
Thế nên, những cuộc hội thảo, những cuộc tọa đàm về nhiếp ảnh luôn cần thiết cho đời sống nhiếp ảnh đương đại. Sự tiếp thu kiến thức mới giống như nạp thêm các chương trình phần mềm cho máy tính. Vì vậy từ xuất phát điểm đó, chúng ta lại ngồi với nhau trong ngày hôm nay.
Theo nhiều nhà chuyên môn, cái tầm của nhiếp ảnh nghệ thuật trong thời gian qua vẫn quanh đi quẩn lại với những mô tuýp quen thuộc, cái nhìn không có gì mới, chưa có những bước đột phá mới. Có cảm giác là nhiều nhà nhiếp ảnh cố gắng chạy theo “thực tiễn cuộc sống” với tất cả sức mạnh, trí tuệ và tâm hồn. Nhưng nhiều lúc lâm vào trạng thái như kiểu “lực bất tòng tâm”, vì tác phẩm vẫn xa vời cuộc sống, không theo kịp thời đại, chẳng tạo ra được sự hấp dẫn cho công chúng. Nhiều cuộc triển lãm ảnh không gây được ấn tượng mạnh cho người xem và các nhà chuyên môn. Khi bước ra khỏi triển lãm, họ thường buông lửng một câu: “không có gì mới”. Quả là bất công cho rất nhiều công sức đầu tư vào sáng tạo và lao động nghệ thuật. Đánh giá như vậy đã công bằng hay chưa? Dù “cay cú” lắm, song ta vẫn phải thừa nhận: họ nói có lý của họ.
Vậy lại một lần nữa chúng ta đặt câu hỏi: ảnh nghệ thuật nó nằm ở đâu? Làm thế nào để tạo ra một bức ảnh có tính nghệ thuật cao, vượt qua sự tầm thường của một bức ảnh ghi chép? Có phải là cách tiếp cận cuộc sống, hay cách nắm bắt khoảnh khắc của thực tiễn cuộc sống cần phải được nhìn nhận cho thấu đáo, từ đó mới tạo ra tác phẩm ảnh đẹp? Có phải cái cốt lõi của vấn đề là sự kết hợp giữa kiến thức sống và cái nhìn nhiếp ảnh? Âu phải chăng đó cũng là phạm trù của “Tư duy ảnh” mà lâu nay chúng ta vẫn bàn luận?
Vậy nên cuộc hội thảo hôm nay sẽ lại một lần nữa quay trở lại những vấn đề tưởng như đã quen thuộc. Nhưng trước thực tiễn cuộc sống luôn là cái vô hạn, mà sự sáng tạo của ta có giới hạn, thì sự tranh luận luôn mở ra những hướng đi mới.
Có thể nói cái quá trình suy tư và áp cái nhìn qua khuôn hình 3×4 ấy được gọi là “tư duy ảnh”. Nhà nhiếp ảnh hơn những người bình thường là nhờ có tư duy ảnh. Tư duy ảnh được hình thành trong quá trình lao động nghệ thuật của nhà nhiếp ảnh, từ cái nhìn cuộc sống được đúc kết lại. Từ kinh nghiệm nó trở thành lối suy nghĩ, lối biểu cảm trong nghệ thuật, và vô thức nó tạo nên tư duy ảnh. Nhưng để phát huy được “tư duy ảnh” và chuyển hóa nó trong sáng tác nhiếp ảnh cũng không phải đơn giản mà có. Có thể nôm na ví “tư duy ảnh” như “tư duy ngoại ngữ”. Chừng nào ta còn nghĩ bằng tiếng Việt rồi mới chuyển hóa nó sang tiếng Anh chẳng hạn, thì ta chưa thể nói là ta đã giỏi tiếng Anh. Chỉ khi nào ta nghĩ bằng tiếng Anh rồi nói luôn bằng tiếng Anh thì khi ấy ta mới được coi là giỏi tiếng Anh. Các chuyên gia ngoại ngữ vẫn nói như vậy với những người đang học ngoại ngữ. Tư duy ảnh cũng vậy, từ “thực tiễn cuộc sống” anh phải nhìn sự vật bằng những cái nhìn “nhiếp ảnh”, quan sát nó bằng các góc chụp, hướng sáng, mầu sắc, và đi tới góc cắt của khuôn hình… có như vậy tác phẩm ảnh mới được tạo ra đúng nghĩa nhiếp ảnh của nó. Như vậy tư duy ảnh hỗ trợ rất nhiều cho sáng tác nhiếp ảnh. Tư duy ảnh nó giúp tạo ra hướng tiếp cận cuộc sống như thế nào cho tốt để hình thành tác phẩm ảnh nghệ thuật.
Còn cách tiếp cận cuộc sống cũng muôn hình muôn vẻ như cuộc sống đang diễn ra trước mắt nhà nhiếp ảnh. Nhà nhiếp ảnh sẽ chọn lựa gì để cho chủ đề ảnh của mình, cho mô tuýp thể hiện: con người hay phong cảnh, hay cuộc sống đời thường… Hay nói cách khác là nhà nhiếp ảnh phải có sự lựa chọn hợp lý để khai thác thực tiễn cuộc sống, và đi sâu vào nó khám phá những cái nhìn, góc nhìn mới. Như vậy được gọi là cách tiếp cận cuộc sống tạo ra tác phẩm.
Tóm lại, thành công của một tác phẩm ảnh nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng theo tôi hai điều cơ bản nhất cần phải có như đã nêu ở trên là: Tư duy ảnh và cách tiếp cận cuộc sống.
Cuộc hội thảo hôm nay với chủ đề “Nhiếp ảnh nghệ thuật với thực tiễn cuộc sống”, là cuộc hội thảo tiếp theo cuộc hội thảo vào tháng 9 năm 2013. Lần ấy chúng ta còn để lại sau lưng nhiều bức xúc chưa được giải đáp. Dù rằng không có tham vọng lớn, nhưng BTC vẫn hy vọng rằng cuộc thảo hôm nay với nhiều bài tham luận của các bác các anh chị em hội viên sẽ giải tỏa được nhiều vấn đề côt lõi, phần nào sẽ giúp ích cho chúng ta có thêm những cái nhìn, những kiến thức về nghệ thuật nhiếp ảnh đương đại. Và góp một phần vào xây dựng nền tảng lý luận, phê bình nhiếp ảnh đương đại ở Hà Nội nói riêng và phong trào nhiếp ảnh cả nước nói chung.
Xin chân thành cảm ơn sự hiện diện của các quí vị đại biểu, các vị khách quí, các bác, các anh chị nghệ sĩ nhiếp ảnh và các diễn giả. Sự hiện diện của các quí vị mang đến sự thành công của Hội thảo.